The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Ngời sáng Hà Nội - Amsterdam

Trở thành một "Amser" là khát vọng cháy bỏng của hầu hết học sinh Hà Nội. Có lẽ cũng không có nhiều ngôi trường phổ thông trên thế giới được bạn bè quốc tế biết đến và đánh giá cao đến mức mỗi cựu "Amser" khi đi học ở các trường đại học nổi tiếng đều mang trong mình niềm kiêu hãnh và cả trọng trách phải tiếp tục là những sinh viên xuất sắc để không hổ danh cái tên Hà Nội - Amsterdam.

Niềm tin yêu với 3 chữ cái H-N-A (viết tắt tên Hà Nội - Amsterdam) hay như cách học sinh của trường hay gọi A-M-S, thật khó bút nào tả xiết. Chỉ riêng việc cấp đất xây dựng nhanh đến mức ngỡ ngàng cũng đã chứng minh điều ấy. Chứng kiến quá trình ra quyết định dành 5ha tại khu đô thị mới được coi là "đất vàng" ngày ấy để xây trường mới, đủ để thấu hiểu, thành phố quan tâm như thế nào tới "cái nôi" đào tạo và bồi dưỡng nhân tài, đồng thời tin tưởng ra sao đối với nhà trường.  

Ảnh: Nhật Nam

Ngày về trường mới đúng dịp Thăng Long - Hà Nội nghìn năm tuổi, Hiệu trưởng Phạm Văn Đại đã gửi tới giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh thông điệp như là một lời hứa của nhà trường với thành phố và người dân Thủ đô: "Thầy và trò nhà trường sẽ cố gắng viết tiếp những trang sử vàng truyền thống, tạo dựng hình ảnh một ngôi trường vừa có cơ sở vật chất hiện đại vào bậc nhất Thủ đô, vừa có chất lượng giáo dục có thể sánh ngang tầm các trường trung học tiên tiến trong khu vực và trên thế giới". 3 năm qua, những tấm huy chương danh giá tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế, số lượng học sinh giỏi quốc gia ngày một tăng, những cái tên cựu "Amser" nổi tiếng… đã cho thấy lời hứa ấy đã được thầy, trò Trường Hà Nội - Amsterdam thực hiện thế nào.

Để thực hiện lời hứa ấy không phải dễ dàng dù "dân" Ams học giỏi là lẽ đương nhiên. Không dễ ở chỗ sự kỳ vọng của chính quyền và nhân dân Thủ đô với nhà trường không hề nhỏ; sự đòi hỏi của phụ huynh và chính phụ huynh là quá lớn. Nhưng những học sinh có tư chất và đầy khả năng đã được "đắm mình" trong một môi trường giáo dục mà ở đó các em không chỉ được trang bị nền tảng kiến thức khoa học vững chắc, được làm quen với phương pháp học tập sáng tạo, hiệu quả mà quan trọng là biết ước mơ và biết làm thế nào để biến ước mơ, đam mê ấy thành sự thực. Ở đây, nhiều thầy, cô giáo không chỉ có trình độ chuyên môn vững vàng mà còn là những người bạn, là "hướng dẫn viên" luôn biết khơi dậy đam mê học hỏi và khát vọng cống hiến ở những tài năng trẻ, làm cho lớp trẻ biết đam mê và sáng tạo. Tại cơ sở mới, sự thiếu thốn về điều kiện thực hành, thí nghiệm của học trò Trường HNA trước kia đã được khắc phục. Thêm nữa, khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, nguồn tuyển của trường lớn hơn, thu hút được nhiều học sinh giỏi hơn. Đó là những thế mạnh và là lý do vì sao HNA được "mùa huy chương" trong mấy năm trở lại đây: Năm học 2010-2011, là 251 giải thành phố, 77 giải quốc gia, 2 huy chương đồng trong các kỳ thi Olympic quốc tế, 5 huy chương đồng Olympic Các nhà khoa học trẻ quốc tế. Năm học tiếp theo là 282 giải thành phố, 75 giải quốc gia, 2 huy chương bạc quốc tế, 3 huy chương bạc và 2 huy chương đồng Olympic Các nhà khoa học trẻ quốc tế. Giải nhất lĩnh vực kỹ thuật (điện và cơ khí) tại Hội thi Khoa học và kỹ thuật quốc tế (Intel ISEF) năm 2012 đã tạo nên sự bất ngờ lớn, minh chứng rằng học sinh Việt Nam hoàn toàn có khả năng chiếm lĩnh các đỉnh cao về khoa học, kỹ thuật bằng thực hành. Năm học 2012-2013, bảng vàng của trường có thêm 295 giải thành phố, 72 giải quốc gia, 2 giải quốc tế… Những kết quả này góp thêm vào thành tích của gần 30 năm xây dựng và trưởng thành của nhà trường với 80 huy chương quốc tế, hơn 1.100 giải quốc gia, gần 3.800 giải học sinh giỏi thành phố. 

"Amser" không chỉ giỏi học. Ở ngôi trường này, năng lực trong mỗi học sinh được nảy nở, đâm chồi, nuôi dưỡng và phát triển để trở thành tài năng. Các em được tạo điều kiện tốt nhất để phát huy óc sáng tạo, tài năng thể thao, văn nghệ, phát triển kỹ năng mềm, tính độc lập, khả năng giao tiếp và kết nối trong làm việc nhóm cũng như trong hội nhập với thế giới bên ngoài, khả năng sử dụng ngoại ngữ trong giao tiếp quốc tế. Bởi vậy, không chỉ sở hữu một nền tảng tri thức sâu rộng và vững chắc, "Amser" còn đặc biệt xuất sắc trong các hoạt động xã hội, trong các lĩnh vực nghệ thuật, thể dục thể thao với rất nhiều bằng khen, huy chương, giải thưởng… trong nước và quốc tế. Đến với những hoạt động mang thương hiệu HNA do các "Amser" tự tổ chức như "Ngày hội anh tài", "Made in 12", "Ngày hội văn hóa dân gian", "Ngày hội đọc sách" hay hoạt động của rất nhiều các câu lạc bộ… sẽ thấy học sinh Trường HNA tài thế nào. Bởi vậy, hành trang mà "Amser" có được sau những năm học dưới mái trường này không chỉ là những danh hiệu cao quý, là giấy mời nhập học của các trường đại học, là những học bổng giá trị… mà quan trọng hơn là một nền tảng vững chắc về nhân cách, tri thức, phương pháp và kỹ năng để trở thành những người thực tài trong tương lai. 

Đó chính là điều khác biệt lớn nhất của Trường Hà Nội - Amsterdam so với các ngôi trường khác. Mục tiêu dạy để học sinh đỗ đạt, trúng tuyển đại học hay có học bổng đi du học, không quá quan trọng đối với nhà trường dù tỷ lệ đỗ đại học hằng năm lên đến 95%. Xây dựng nhà trường thành một mô hình phát triển giáo dục mở, tôn trọng các tiêu chuẩn cần thiết của một trường THPT chất lượng cao, đồng thời phát huy mọi khả năng để tổ chức thực hiện phương thức giáo dục tiên tiến nhất, lấy học sinh làm trung tâm, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo, luôn cập nhật thành tựu về khoa học giáo dục, khoa học kỹ thuật để làm phong phú nội dung, phương pháp giảng dạy đã được trường coi là một trong những sứ mệnh và thực hiện một cách hiệu quả nhất. Ams spirit (tinh thần Ams) "học siêu mà chơi cũng giỏi" "ngấm" vào từng "Amser", nên dù là học sinh chuyên nhưng đây chính lại là trường phổ thông có chất lượng giáo dục toàn diện bậc nhất. Những cái tên như Lê Bá Nam Anh, Chủ tịch của VietAbroader, từng nhận học bổng dành cho sinh viên xuất sắc của ĐH Dartmouth, Chủ tịch Hội Sinh viên Đông Nam Á cũng đồng thời là một vận động viên bóng rổ tài năng; Phan Thị Hà Dương, người được phong PGS của ĐH Paris 7 ở tuổi 26, trở thành người trẻ tuổi nhất ở Pháp được bổ nhiệm vào vị trí này; Hà Lan Anh được Trường ĐH Trent (Canada) cấp học bổng toàn phần và trở thành sinh viên Việt Nam duy nhất lọt vào danh sách 20 sinh viên xuất sắc nhất trường, từng là đại biểu nhí của các hội nghị quốc tế khi là "Amser"; Trần Thu Quỳnh, cô học sinh được 13 trường ĐH ở Mỹ chào đón và đã chọn ĐH Brown cũng là một nghệ sĩ đàn bầu chính hiệu; Trần Hải Châu, cậu học trò có bảng thành tích chi chít những giải thưởng Toán học đồng thời là nghệ sĩ tung hứng cũng vừa trở thành tân sinh viên ĐH Brown… đã cho thấy điều đó. 

Tâm sự của Ngụy Hồng Hạnh Nga khi trở thành "Amser" thứ hai nhận được học bổng của ĐH danh tiếng Harvard: "Tất cả những gì mình đạt được ngày hôm nay phần lớn thuộc về Ams. Nếu không có Ams thì mình sẽ không bao giờ biết đến những cơ hội học tập thế này. Thậm chí, cả con người và tính cách của mình hôm nay cũng định hình từ Ams. Môi trường năng động ở đây khiến mình năng động theo, cho mình thêm động lực để tự hoàn thiện bản thân, cố gắng vượt lên để được như các anh chị mình hâm mộ ngày trước", có lẽ cũng là suy nghĩ chung của các "Amser".

 

 Vân Vũ