The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

[MỪNG NGÀY 20/11] Thầy giáo Lê Tất Tôn - Mãi mãi một nụ cười

Post by: myph | 18/11/2014 | 4937 reads

Thầy Lê Tất Tôn sinh năm 1943, là cựu giáo chức của Trường THPT Chuyên HN- Amsterdam từ năm 1983 đến năm 2003. Trong thời gian tại trường, thầy đã đào tạo nhiều thế hệ học sinh chuyên Toán, thầy từng là trưởng tổ Toán - Tin và đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Công đoàn.

Tôi là một học sinh của khoá 13-16, vậy nên lớp của tôi không có cơ hội được gặp thầy Lê Tất Tôn cũng như được học thầy. Nhưng có lẽ tôi lại được hưởng một điều may mắn mà các học sinh cùng khoá không có được, là được gặp thầy trong thời gian nghỉ hưu .

Gần tới ngày 20/11, chị tôi là học sinh khoá 97-00 có ý định tới thăm thầy, vậy nên tôi có được dịp là cùng đi với chị tôi tới thăm lớp học thầy đang dạy.

(Hình ảnh thầy giáo Lê Tất Tôn – nguồn: https://www.facebook.com/tatton.le)

Lần đầu tiên tôi thấy thầy, ấn tượng của tôi là mái tóc đã bạc trắng vì độ tuổi 71 , người thầy đầy đặn, đặc biệt chiếc bụng rất “béo tốt”. Chất giọng dù đã ở độ tuổi khó khăn về sức khoẻ nhưng vẫn sang sảng, rất to , không kém gì chất giọng ở trên lớp tôi thường nghe từ các giáo viên.

Thầy hỏi thăm tình hình của chị tôi , nhưng thời gian lúc ấy không có nhiều, chỉ có thể gửi lời thăm hỏi rồi phải bận vào lớp học, nên không được trò chuyện mà phải về luôn.

Chỉ  nhớ có đoạn hội thoại khi chị tôi hỏi thăm thầy, hỏi tại sao thầy không nghỉ ngơi, thầy bảo: “ Sau  khi nghỉ hưu vẫn thường xuyên phải ôn lại kiến thức thì đầu óc không trì đọng. Để mình bớt già..(cười khà)” .

Đó là những gì tôi nhớ nhất, bởi kì lạ là một người như thầy, cách thế hệ học sinh chúng tôi hàng mấy chục năm, bỗng chốc lại vì một câu nói, một nụ cười mà lại gần gũi biết bao.

(Hình ảnh của thầy Lê Tất Tôn)

nguồn: https://www.facebook.com/tatton.le

Về sau chị tôi cũng kể về thầy nhiều hơn với tôi: thầy thân thiện, thường xuyên cười “ khà khà” nhưng cũng cực kì nghiêm khắc trong giờ học, không bao giờ cho phép học sinh của mình nói chuyện riêng, làm ồn ào giờ Toán. Một phần cũng vì thế mà giờ học các học sinh không bao giờ làm ồn, gây phiền nhiễu.

Còn phần còn lại, là vì sự hấp dẫn trong tiết giảng của thầy. Nhờ hàng chục năm kinh nghiệm của mình, thầy luôn có cách giảng giải dễ hiểu cho học sinh, còn thường xuyên có những cách giải thích mới. Giống như bài xét dấu các hàm số, thầy sẽ sử dụng cách “ Nghìn năm Thăng Long” hay định lí đường thẳng song song với mặt phẳng, thầy sẽ gọi nó với cái tên rất mĩ miễu là “định lí cái dây phơi”…. Mỗi lần thầy nói đều làm cả lớp cười ầm trước cách giải thích “dễ thương” của thầy, cũng vì thế mà dễ dàng nhớ được các lí thuyết vốn phức tạp và dài dòng.

Chị còn kể thầy thường cấm học sinh không được viết bút xoá, vì viết thế là tự xoá đi sai lầm của mình, coi như chưa từng , vậy chẳng phải không học được gì hay sao? Nên thầy thường bảo học sinh có lỗi sai phải gạch chéo, không được tẩy xoá.Còn nhớ mỗi lần chị ngồi bàn đầu, lỡ tay dùng bút xoá trước mặt thầy, đều bị thầy giơ bút xoá lên nói trước lớp, một lần nữa lại nhắc nhở không nên dùng nó. Bị một lần như vậy nên về sau chị cũng chẳng dám sử dụng lần nữa.

(Hình ảnh của thầy Lê Tất Tôn

– nguồn: https://www.facebook.com/tatton.le)

Có một điều mà chị tôi yêu quý ở thầy chính là sự tâm lí với học sinh. Đối với một người ở thế hệ trước như thầy, nhưng thầy lại có thể hiểu được những suy nghĩ tuổi trẻ, tuổi thanh thiếu niên của lũ học sinh chúng tôi với những bồng bột và ngây dại trẻ con. Thầy luôn thông cảm với những tâm lí vốn là điều bình thường ấy, nhiều khi còn chia sẻ những câu chuyện ngày xưa của thầy, để khoảng cách giữa người nói trên bục giảng và người ngồi dưới lớp có thể được kéo lại gần hơn. Thầy trong lớp thường rất hài hước, phá tan không khí buổi học đôi khi có chút mệt mỏi và lơ đãng, để học sinh có thể thư giãn, xả hơi và lại tiếp tục vui vẻ, chú ý vào bài giảng .

Chị tôi bảo có lẽ đó là cái duyên của thầy, cái duyên mà học sinh vốn luôn yêu quý và trân trọng, một người nghiêm khắc nhưng cũng không hề kém đi sự hài hước, một người đã có độ tuổi đã già nhưng vẫn mang tinh thần của một con người trẻ tuổi, luôn sống và nhiệt huyết với nghề giáo.

 Vì thế nên ngay cả khi thầy đã về hưu rồi, ngay cả khi chị tôi đã ra trường được rất nhiều năm, nhưng vẫn tới thăm , để nhận lấy một nụ cười, để lần nữa thể hiện sự kính trọng của mình đối với một người như thầy.

 

(Hình ảnh thầy trong buổi đi dã ngoại – nguồn : https://www.facebook.com/tatton.le)

Nhân dịp ngày 20/11, con thay mặt các học sinh chúc thầy mạnh khoẻ, luôn tươi cười, trẻ trung, cũng sẽ mãi nhớ tới trường THPT Chuyên HN-Amsterdam như một kí ức thật đẹp! Học sinh gửi đến thầy tình yêu thương chân thành nhất !

 PV: Nguyễn Minh Hiếu Văn 13-16