Hội Nhặt Rác Hồ Gươm
Nếu các bạn quan tâm đến các hoạt động tình nguyện thì chắc chắn nhiều bạn trẻ đã biết đến cái tên rất lạ và độc đáo: "Hội nhặt rác Hồ Gươm".
Nếu các bạn quan tâm đến các hoạt động tình nguyện thì chắc chắn nhiều bạn trẻ đã biết đến cái tên rất lạ và độc đáo: "Hội nhặt rác Hồ Gươm".
"Hội nhặt rác Hồ Gươm" là tên cũ của "Hội nhặt rác và tái chế".
Ảnh đại diện của Hội nhặt rác Hồ Gươm trên facebook
Bắt đầu từ tháng 3, năm 2011, "Nhặt rác Hồ Gươm" là ý tưởng hội tụ của những người thanh niên yêu thích những hoạt động bảo vệ môi trường. Họ, những người với mong muốn và ngọn lửa của tuổi trẻ, đang làm một công việc thầm lặng: "Nhặt rác ở Hồ Gươm". Mới nghe thoạt đầu, tưởng chừng như công việc này cũng chẳng khác gì công việc của những người công nhân quét rác, hàng ngày vẫn cố gắng làm sạch đường phố, cung cấp cho nhân dân một môi trường xanh, một cuộc sống ít khói bụi và một cảnh quan đẹp, nhưng nó lại chứa đựng cả công việc tái chế, nhiều mồ hôi, công sức, nhiệt huyết của những bạn trẻ và nhiều ý nghĩa về ý thức bảo vệ môi trường sống trong mỗi người chúng ta...
Sau 6 tháng nhặt rác, hội nhặt được rất nhiều những đồ có thể tái chế được như: que kem, bao thuốc lá, giấy báo,vv....Vì vậy, ý tưởng "tái chế rác" đã được hình thành. Do đó, hội đổi tên thành: "Hội nhặt rác tái chế". Số rác thu được sẽ phân phát đến những thành viên có khả năng và điều kiện, sau đó sẽ bán những đồ đã tái chế để thu lấy quỹ hoạt động của hội.
3 giờ chiều chủ nhật, tôi đã có mặt tại "Tháp Hòa Phong"( Đối diện bưu điện Hà Nội) - nơi tập trung của hội và cũng là nơi bắt đầu cuộc hành trình vì môi trường quanh Bờ Hồ. Tuy hội được tổ chức một cách tự phát và trời rất lạnh nhưng tất cả các thành viên đã đều có mặt đúng giờ để chuẩn bị đồ đạc. Chỉ với găng tay, túi nilon tái sử dụng và trái tim yêu Hà Nội, 15 người chia thành hai nhóm, một nhóm đi xung quanh Bờ Hồ và nhóm còn lại đi xung quanh khu vực vườn hoa Lý Thái Tổ. Trước lúc rời địa điểm xuất phát, tôi phỏng vấn chị Mai Thủy (sinh viên năm 3 trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn), một thành viên chủ chốt, về những khó khăn của hội, chị khiêm tốn trả lời:
- Chị cảm thấy chị cũng đã đóng góp một chút được cho hội. Đó là chị đã duy trì hội qua một loạt khó khăn bởi vì đây là hoạt động tự phát, chủ yếu của sinh viên. Nhưng họ là những sinh viên xa quê ra Hà Nội học tập, nên họ phải sắp xếp lịch học và làm việc bận bịu của mình, nhất là trong thời gian thi cử hoặc trong giai đoạn nghỉ hè thì hội rất thiếu người. Và hội cũng chưa có nơi để hội họp chính thức. Do đó, chị rất khó khăn trong việc duy trì ổn định và phát triển hội.
Chị cũng chia sẻ thêm:
- Chị mong rằng qua truyền thông, cái tên "Hội nhặt rác Hồ Gươm" hay "Hội nhặt rác tái chế" có thể đến với nhiều người. Hơn nữa, nhiều bạn trẻ đi chơi ở Bờ Hồ thấy bọn chị hoạt động thường xuyên nên cũng rất tò mò và ngỏ ý muốn tham gia và tham gia rất tích cực hay kể cả những người dân Hà Nội cũng khen ngợi, bắt bằng được đôi bàn tay cao su lấm lem, ủng hộ và nhặt rác cùng các tình nguyện viên.
Ảnh: Hội nhặt rác và tái chế
Gần đây, sự kiện cụ Rùa phải đưa lên để chữa bệnh đã làm những thành viên của câu lạc bộ càng có thêm động lực "giải cứu môi trường quanh hồ" và trợ giúp các bác lao công vì các bác không thể đảm đương hết công việc của mình: "...Các cô bác lao công chỉ có thể quét được những nơi thuận tiện, còn các góc khuất thì phải dùng tay mới lấy ra được..." - Anh Nam, một cự thành viên của nhóm có lần đã chia sẻ.
Không chỉ nhặt rác, hội còn tái chế các sản phẩm như: túi giấy được làm từ giấy báo, đồ chơi cho trẻ em được làm từ que kem,vv....hoặc gửi những đồ tái chế đến các câu lạc bộ, ví dụ như "CLB Handmade". Và sau đó bán những sản phẩm được làm từ những đôi bàn tay khéo léo, ẩn chứa nhiều ý nghĩa, đặc biệt là ý thức bảo vệ môi trường.
Ảnh: Khung ảnh được làm bằng que kem
Chị Thùy Trang (sinh viên năm 2, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ những tâm sự của mình về những nét đẹp Hà Nội, chị gửi đến những người thanh niên trẻ:
- Hà Nội là một thủ đô, nên những nét đẹp nơi đây cần được gìn giữ và bảo vệ. Vì vậy thanh niên thế hệ 8x, 9x nên chú ý đến những điều nhỏ nhặt nhất ví dụ như việc vệ sinh môi trường. Ngay từ bây giờ, các bạn nên có những thói quen cho việc bảo vệ môi trường. Khi đã tạo được những thói quen như vậy rồi, ý thức mỗi người sẽ cao lên, ý thức của cộng đồng cũng sẽ cao lên và xã hội sẽ ngày càng văn minh hơn.
Hay như anh Nguyễn Trung Hiếu, một học sinh trường Hà Nội - Ams sắp bước vào con đường du học, bước vào cánh cửa của văn minh và tri thức cũng chia sẻ:
- Anh nhấn mạnh rằng: mọi người hãy chú ý đến những hành động nhỏ nhất của mình như: ăn cây kem xong, hút thuốc lá xong, ăn một cái kẹo xong thì hãy vứt bỏ vào thùng, đừng nên bỏ ra ngoài đường phố, như thế sẽ mất đi nét cổ kính, văn minh của Hà Nôi - Thủ đô ngàn năm Văn hiến, chứ không cần phải cứ nhặt rác là bảo vệ môi trường.
Phóng viên
Đức Tài