The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Đến với ngày hội "Châu Á - những sắc màu văn hóa" cùng chuyên Sử

Post by: giangdh | 21/10/2013 | 4082 reads

Châu Á là một khu vực rộng lớn, đông dân và đa sắc tộc. Mỗi một quốc gia lại hình thành nên một nền văn hóa đặc trưng và tiêu biểu riêng, đại diện cho hàng ngàn năm truyền thống lâu đời của dân tộc mình. Được bảo tàng Lịch sử quốc gia kết hợp với Câu lạc bộ "Em yêu lịch sử" tổ chức, hai khối 10 và 11 Sử đã tham gia tìm hiểu chuyên đề "Châu Á - những sắc màu văn hóa" không thể nào quên.

Nhân dịp hội nghị Hiệp hội các Bảo tàng Quốc gia Châu Á lần thứ 4 (ANMA 4) đang được tổ chức tại Việt Nam, kỉ niệm 40 năm quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam - Nhật Bản, 63 năm với Trung Quốc, cùng sự đồng ý của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tổ chức triển lãm chuyên đề "Châu Á - Những sắc màu văn hóa" bắt đầu từ ngày 8/10/2013.

Được biết đến như là một câu lạc bộ có nhiều hoạt động đa dạng, đặc sắc và hướng tới lứa tuổi thanh thiếu niên, câu lạc bộ "Em yêu lịch sử" đã kết hợp với bảo tàng Lịch sử quốc gia để tổ chức buổi giao lưu, tìm hiểu cho hơn 80 học sinh đến từ hai lớp 10 và 11 Sử của trường Hanoi-Amsterdam.

Mục đích của chương trình là nhằm giới thiệu những bản sắc văn hóa đặc sắc và đa dạng của từng nước trong khu vực, qua đó nâng cao khả năng tìm tòi, ham học hiểu trong các học sinh còn đang trên ghế nhà trường; nâng cao lòng yêu lịch sử, yêu môn học đã gắn bó với các em trong suốt một thời gian dài.

Chúng ta hãy cùng đến với một số hiện vật của bảo tàng:

Điêu khắc Phật giáo và Ấn Độ giáo bằng đá và đồng

Gốm sứ Thái Lan

Rối da Indonesia

Đặc biệt, trong thời kì phát triển và hội nhập quốc tế, văn hóa Việt Nam vừa là nền tảng, vừa là mục tiêu và động lực phát triển đất nước. Đây chính là thử thách đặt ra cho thế hệ học sinh trẻ để sau này xây dựng, kiến thiết nước nhà "hòa nhập mà không hòa tan".

Với hơn 100 hiện vật cổ đầy giá trị, buổi tham quan giao lưu tìm hiểu đã đọng lại trong lòng người tham gia không chỉ là những tri thức mới, những câu chuyện thú vị mà còn là những khoảnh khắc lắng đọng, giây phút vui vẻ khi được cùng vui chơi, học tập cùng nhau.

Tiết mục đàn tranh đặc sắc của bạn Ánh Dương đến từ lớp 10 Sử

Màn múa truyền thống Hàn Quốc ấn tượng của bạn Thu Bình của lớp 11 Sử

Bài hát Quê hương tôi bởi giọng ca vàng lớp 11 Sử, bạn Đức Long

Các bác phụ huynh cũng hòa chung niềm vui cùng học sinh

Sau khoảng thời gian tham quan bảo tàng là phần "Chơi mà học", với 3 nội dung chính là "Trả lời câu hỏi", "Thi ghép cờ" "Đoán ô chữ".


Hai đội chơi đã dùng hết sức lực và trí tuệ, sử dụng khả năng nhanh nhạy với những kiến thức vừa học hay vốn hiểu biết sâu rộng từ trước để tham gia chương trình. Dù thắng hay thua, nhưng điều quan trọng là tất cả đều có những thời gian vui vẻ bên nhau, có những bài học thú vị khác với sách vở mọi khi trên lớp. Khi ra về, tất cả thí sinh tham gia trò chơi đều có những món quà nhỏ nhắn và dễ thương từ chương trình.

Trong khoảng thời gian tham gia, viện bảo tàng cũng đang trong khoảng thời gian triễn lãm chuyên để "Tìm hiểu về trang sức cổ Việt Nam" - một trong những hoạt động mà bảo tàng tổ chức hàng tháng với những chủ đề khác nhau.

Có thể nói, trang sức là một vật mang giá trị về cả tinh thần lẫn vật chất. Vậy nên ngay từ thời xa xưa, con người đã sớm chế tác ra những trang sức tinh xảo, không chỉ để thể hiện cái đẹp ngoại hình, mà còn là cái tôi nội tâm, thể hiện tính tâm linh hay địa vị xã hội của người sở hữu. Tại Việt Nam, trang sức đã được phát hiện từ thời Tiền sử và phát triển từ nền văn hóa Phùng Nguyên. Tới những nền văn hóa như Đồng Nai, Óc Eo, Đông Sơn và giai đoạn sau là thời Trần, thời Nguyễn,..thì trang sức đã thực sự trở thành một di sản dân tộc, thể hiện sự thăng hoa trong chế tác và khả năng khéo léo đến kì diệu của người thợ kim hoàn.

Nguồn: http://www.baotanglichsu.vn

http://www.dulichvietnam.com.vn/ 

Ngọc Anh (Sử 12-15)