The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Lan tỏa để có nhiều hơn những tấm gương nhà giáo tiêu biểu

Post by: webams | 15/11/2020 | 879 reads

Sáng 15/11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có cuộc gặp gỡ 183 nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu toàn quốc nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Cùng dự có Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh. Về phía Bộ GDĐT có Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ; đại diện lãnh đạo các cục, vụ thuộc Bộ.

Nhiều kết quả giáo dục đáng tự hào

Bày tỏ sự vui mừng được gặp mặt các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu, đại diện cho gần 1,5 triệu nhà giáo trên khắp cả nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước gửi đến các thầy, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục và các thế hệ thầy, cô giáo trên mọi miền Tổ quốc những tình cảm trân trọng, sự biết ơn và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Giáo viên được hưởng phụ cấp thâm niên đến khi thực hiện chính sách lương mới

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại buổi gặp gỡ

Nhìn lại chặng đường vừa qua của ngành Giáo dục, Chủ tịch Quốc hội đánh giá: Chất lượng giáo dục phổ thông ngày càng nâng lên, được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa được triển khai theo đúng lộ trình quy định. Nhiều mô hình giáo dục, nhiều phương pháp dạy học tích cực được đưa vào ứng dụng trong thực tiễn. Khả năng tự học của học sinh đang từng bước được cải thiện. Kết quả các cuộc thi quốc tế ngày càng cao.

Chất lượng giáo dục đại học được cải thiện rõ rệt, tự chủ đại học được thúc đẩy, tạo đột phá trong quản trị, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Lần đầu tiên nước ta có 4 đại học lọt vào tốp 1.000 thế giới, nhiều ngành, lĩnh vực đào tạo đứng trong tốp 500 thế giới; trước năm 2015 chưa có cơ sở giáo dục đại học nào của Việt Nam được xếp hạng thế giới, chỉ có 2 trường vào top 300 Châu Á). Số lượng các công trình công bố quốc tế liên tục gia tăng (năm 2019, Việt Nam đứng thứ 49 thế giới về số bài báo khoa học công bố trên các ấn phẩm quốc tế uy tín, tăng 9 bậc so năm 2015).

Hệ thống giáo dục ngoài công lập phát triển ấn tượng. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục ngày càng được củng cố, tăng cường cả về số lượng và chất lượng, đồng bộ về cơ cấu, từng bước đáp ứng được yêu cầu phát triển giáo dục trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, trong đó, đã ban hành các quy định về chuẩn hiệu trưởng và chuẩn giáo viên đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông.

Đặc biệt năm học vừa qua, trong bối cảnh chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19, ngành Giáo dục đã chủ động, kịp thời đề ra phương án phù hợp, vận dụng linh hoạt, sáng tạo phương pháp và hình thức dạy học, nhất là dạy học trực tuyến để các hoạt động giáo dục không bị ngưng trệ, “đứt gãy”; tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020, được nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng nền nếp, chất lượng, phù hợp với xu hướng quốc tế.

 

Giáo viên được hưởng phụ cấp thâm niên đến khi thực hiện chính sách lương mới

Chủ tịch Quốc hội tặng quà, chúc mừng các nhà giáo tiêu biểu

“Năm 2020, Ngân hàng Thế giới đánh giá chỉ số vốn nhân lực của Việt Nam đứng thứ 38/74 nền kinh tế; trong đó, thành phần kết quả giáo dục của Việt Nam đứng thứ 15, tương đương với các nước như Hà Lan, New Zealand, Thụy Điển”, Chủ tịch Quốc hội thông tin và khẳng định, đây là kết quả rất đáng tự hào.

Để có được những kết quả này, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, là nhờ sự cố gắng của toàn ngành, sự phấn đấu, nỗ lực không ngừng trong dạy và học của các thế hệ thầy và trò trong cả nước. Trong đó, có những thầy, cô đã hy sinh cả tuổi xuân, hết lòng vì học sinh, bám trường, bám lớp, trở thành người cha, người mẹ thứ hai của các em,… ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, biên giới, hải đảo.

Trước không ít khó khăn của ngành Giáo dục trên chặng đường đổi mới, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ sự chia sẻ và cho biết: Trong hoạt động Quốc hội, giáo dục luôn là vấn đề được đại biểu và cử tri quan tâm. Với trách nhiệm người đứng đầu, Bộ trưởng Bộ GDĐT luôn phải đứng trước nhiều áp lực nặng nề. Ngay trong kỳ họp này, Bộ trưởng đã nhiều lần trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Câu trả lời của Bộ trưởng rất tốt, được đại biểu chấp nhận, đánh giá cao.

“Tôi chia sẻ với ngành Giáo dục, với Bộ trưởng. Vai trò của giáo dục rất lớn trong hoạt động đời sống xã hội. Sự nghiệp giáo dục còn ở phía trước với nhiều vấn đề tiếp tục cần triển khai thực hiện và phải thường xuyên, liên tục đổi mới. Chúng ta đừng thấy bất cập nào đó, một sai sót nào đó chưa được để đánh giá, phủ nhận hết tất cả những vấn đề, công lao của thầy cô giáo, của ngành Giáo dục trong suốt thời gian qua”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Lan tỏa để có nhiều hơn những tấm gương nhà giáo tiêu biểu

Với mong muốn ngành giáo dục tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa trong quá trình đổi mới, phát triển đất nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển giáo dục, nhất là Kết luận số 51-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Cuộc gặp gỡ giữa Chủ tịch Quốc hội với 183 giáo viên tiêu biểu toàn quốc được tổ chức tại phòng họp Diên Hồng - nơi đang diễn ra Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV

Đặc biệt, vào thời điểm hiện nay, ngành giáo dục cần tích cực tham mưu, đóng góp những ý kiến, đề xuất, định hướng, nội dung thiết thực, phù hợp với thực tiễn phát triển ngành cũng như phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn tới để góp phần hoàn thiện các dự thảo văn kiện của Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Bộ GDĐT cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan hữu quan đẩy mạnh công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh. Khuyến khích phát triển các ngành, các chương trình đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ cho các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, kinh tế số. Đẩy mạnh các hoạt động kết nối nhà trường với doanh nghiệp, gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động.

Bảo đảm số lượng, nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp đáp ứng yêu cầu. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo, chú trọng quản lý giáo dục trên môi trường mạng. Phân cấp và thực hiện tự chủ đối với các cơ sở giáo dục; có cơ chế đãi ngộ về vật chất và tinh thần nhằm bảo đảm cuộc sống của giáo viên để các thầy giáo, cô giáo yên tâm công tác.

Giáo viên được hưởng phụ cấp thâm niên đến khi thực hiện chính sách lương mới


Các giáo viên tiêu biểu chụp ảnh lưu niệm với Chủ tịch Quốc hội

Trước tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, kinh tế - xã hội nước ta có sự biến chuyển cả tích cực và tiêu cực. Điều này đòi hỏi một mặt, các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục cần đẩy mạnh nghiên cứu, sáng tạo, không ngừng hoàn thiện kiến thức, kỹ năng sư phạm để thích ứng trong tình hình mới; mặt khác, phải luôn giữ vững bản lĩnh, phẩm chất, nhân cách; hoàn thành trọng trách chèo lái "con thuyền tri thức" của đất nước.

“Tôi mong rằng, tất cả các thầy, cô giáo luôn đủ sức khỏe, lòng nhiệt huyết, niềm tin để tiếp tục yêu nghề, miệt mài cống hiến cho sự nghiệp chở đạo cao cả, xứng đáng là những “người đưa đò” thầm lặng mà vẻ vang. Đặc biệt, các thầy giáo, cô giáo tiêu biểu có mặt tại đây hôm nay tiếp tục phát huy vai trò là hạt nhân nòng cốt, lan tỏa để có nhiều hơn nữa tấm gương về chuẩn mực đạo đức, sự tận tâm, tận tụy với nghề, truyền “ngọn lửa” nhiệt huyết, chia sẻ những cách làm hay, những kinh nghiệm quý, những đổi mới, sáng tạo; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, truyền thống hiếu học của cha ông; thổi bùng niềm tin, khát vọng đưa đất nước ngày càng phát triển phồn vinh, hạnh phúc”, Chủ tịch Quốc hội gửi gắm.

Nỗ lực hoàn chỉnh hệ thống chế độ, chính sách phát triển nhà giáo

Báo cáo tại cuộc gặp gỡ, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Thời gian qua, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng toàn ngành Giáo dục đã nỗ lực triển khai thực hiện Nghị quyết 29 của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT, Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ báo cáo tại cuộc gặp gỡ

Xác định chất lượng đội ngũ giáo viên là một trong những yếu tố quyết định thành công của đổi mới giáo dục, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Bộ GDĐT đã trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật và các đề án để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục. Các chế độ, chính sách đối với nhà giáo ngày càng tốt hơn.

“Mới đây, Bộ GDĐT đã thay mặt Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội phương án tiếp tục thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên với nhà giáo cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương mới. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý và giao cho Chính phủ triển khai thực hiện”, Bộ trưởng thông tin.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, thời gian tới, ngành Giáo dục xác định sẽ phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa, trước hết là phải đổi mới trong suy nghĩ và hành động của giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trong toàn ngành. “Bộ GDĐT kính mong Quốc hội tiếp tục quan tâm, chăm lo xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; động viên, chia sẻ với những khó khăn của ngành Giáo dục nói chung, của đội ngũ nhà giáo nói riêng", Bộ trưởng bày tỏ mong mỏi.

Tại buổi gặp gỡ, các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã chia sẻ với Chủ tịch Quốc hội một số vấn đề quan tâm như chế độ chính sách với giáo viên mầm non; cơ chế cho nghiên cứu khoa học trong trường đại học; những hỗ trợ để thúc đẩy chuyển đổi số giáo dục…

Theo Trung tâm Truyền thông Giáo dục