The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Đội tuyển Olympic Quốc tế Thiên văn học và Vật lý thiên văn lần thứ 11: Những trải nghiệm khó quên

Post by: webams | 02/04/2018 | 3812 reads

Đã 4 tháng kể từ khi đội tuyển Việt Nam trở về thành công từ Olympic Quốc tế Thiên văn học và Vật lý thiên văn cùng 2 Huy chương Bạc và 2 Giải Khuyến khích. Dù vậy, những trải nghiệm, những bài học mà cuộc thi mang lại đã trở thành những kí ức không thể nào quên, đặc biệt là với những chàng trai được 2 lần may mắn tham gia kì thi. Hãy cùng Ams Wide Web trò chuyện với họ nhé !

Thành tích của Đội tuyển Việt Nam tại IOAA 2017:

-         2 Huy chương Bạc: Trần Đức Huy, Nguyễn Tiến Nhân

-         2 Giải Khuyến khích: Lê Hồng Long, Trần Quang Thành

Tất cả đều là học sinh lớp 12 Lý 1 khoá 1518, trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam.

PV: Xin chào các bạn. Đầu tiên mình xin được một lần nữa gửi lời chúc mừng đến các thành viên của đội tuyển đã xuất sắc vượt qua kì thi vừa rồi. Các bạn có thể chia sẻ cảm xúc của mình khi nhận được kết quả cuộc thi không?

Có thể nói, IOAA 2017 đã mang đến cho bọn mình một bữa tiệc của cảm xúc không thể nào quên. Từ hồi hộp, căng thẳng, lo âu cho đến niềm vui vỡ òa khi nhận được kết quả  chính thức. Nhưng vượt lên trên tất cả là sự tự hào khi đã đóng góp được một phần cho ngành Thiên Văn học và vật lý thiên văn nói riêng, và đất nước nói chung.

PV: Lần thứ hai quay lại đấu trường IOAA, không biết cảm xúc của các bạn so với lần đầu tiên có thay đổi nhiều không?

Đại diện cho Việt Nam tham gia một cuộc thi quốc tế lớn như vậy, chắc chắn ai cũng hồi hộp, lo lắng rồi. Song vì có chút kinh nghiệm từ IOAA đầu tiên, tinh thần của bọn mình cũng thoải mái hơn rất nhiều. Hơn nữa, bọn mình còn hào hứng, chủ động giao lưu, học  hỏi kinh nghiệm từ  các  bạn bè  quốc  tế trong thời gian tổ chức kì thi.

Đoàn Việt Nam xuất sắc giành 4 giải ở Olympic Thiên văn học và Vật lý thiên văn Quốc tế lần thứ 11 diễn ra tại Thái Lan

PV: Sự chuẩn bị của toàn bộ các thành viên đội tuyển cùng các thầy cô giáo lãnh đội cho kì thi lần này có gì đặc biệt? Đội có gặp khó khăn gì trong quá trình chuẩn bị đó không và mọi người đã cùng nhau khắc phục như thế nào?

Vì mới chỉ là năm thứ 2 tham dự nên khó khăn là điều không thể tránh khỏi. Trước tiên, Thiên văn môn học mới với học sinh Việt Nam và không có nhiều giáo viên nghiên cứu chuyên sâu về  mảng này. May mắn thay, đội được chỉ dẫn bởi các giáo viên rất tâm huyết, nhiệt tình. Các thầy cũng dành thời gian nghiên cứu và học cùng đội. Ngoài giờ học ở trên lớp, bọn mình cũng thường xuyên trao đổi và tự luyện tập đề thi. Năm nay đặc biệt ở chỗ bọn mình được vào Nha Trang tập huấn. Ở đó, bọn mình được học trong nhà chiếu hình vũ trụ (planetarium) duy nhất đang hoạt động ở VN, rồi được sử dụng kính thiên văn để chiêm ngưỡng những vì sao lung linh. Chính chuyến đi này là một sự chuẩn bị kĩ càng cho phần thi Quan Sát của cuộc thi.

PV: Các bạn có thể chia sẻ kỉ niệm đáng nhớ của mình khi tham gia thi đấu cũng như giao lưu với các đoàn quốc tế không?

Kỉ niệm thì nhiều vô kể luôn. Trong thời gian tham dự, nổi bật nhất có lẽ là phần thi đồng đội. Các thành viên trong đội được sắp xếp ngẫu nhiên. Lấy bối cảnh một nhóm người bị lạc trên đảo hoang, nhiệm vụ của mỗi đội là sử dụng những kiến thức về thiên văn để giải đố, tìm cách thoát khỏi đảo nhanh chóng nhất có thể. Đây là một phần thi rất vui, vừa rèn luyện kĩ năng thực hành, vừa giúp gắn chặt tình bạn giữa các thí sinh.


Chính 5 chàng trai này đã từng mang về 1 Huy chương Bạc và 4 Giải Khuyến khích tại IOAA 2016

PV: Với những bạn trẻ vì cảm thấy xa lạ với bộ môn vật lý thiên văn mà vẫn ngần ngại chưa dám thử, các bạn có muốn nhắn gửi lời cổ vũ nào đến họ không?

Đúng là bộ môn vật lý thiên văn vẫn còn quá mới mẻ với nhiều bạn trẻ Việt Nam, nhưng nếu bạn có đam mê đối với những vì sao toả sáng trên bầu trời, với những bí ẩn được che giấu sau tấm màn là bầu trời kia thì bạn đừng ngần ngại thử sức.

Tìm hiều trước tiên về các chòm sao, hình thù của chúng và cả các ngôi sao trong đó sẽ khiến bạn khám phá ra rất nhiều điều thú vị về văn hoá cổ xưa, về những câu chuyện thần thoại và cả những chuyện hết sức gần gũi với chúng ta đấy. Bạn có biết rằng trên bầu trời có cả vị anh hùng Hercules, Perseus và đầy đủ 12 chòm sao Hoàng Đạo không? Hay bạn có biết rằng cái tên của người cha đỡ đầu của Harry Potter người có thể biến thành chó, cũng là cái tên của ngôi sao sáng nhất bầu trời đêm thuộc chòm sao chó lớn không?

Đó mới chỉ là một trong vô vàn những sự thật thú vị khác. Càng học, càng dấn thân vào bộ môn thiên văn học này thì bạn sẽ càng ngạc nhiên và được mở mang tầm mắt khi được “chứng kiến” những giới hạn của vũ trụ, cách các ngôi sao lớn hình thành, sự tồn tại của lỗ đen,… Ngoài ra bạn còn có thể thể hiện kiến thức cho bạn bè nữa, đảm bảo mọi người sẽ rất phục bạn đấy (cười).

Một lần nữa xin cảm ơn những chia sẻ của các bạn ngày hôm nay. Mong các bạn sẽ đạt được nhiều thành công hơn nữa trên con đường mình đã chọn!

PV: Đỗ Kim Chi – Văn 1619

Tags: IOAA