The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

[Kỉ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11] Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thủy: “Cô đến với Ams như một cái duyên”

Post by: webams | 10/11/2017 | 5849 reads

Với giọng văn trầm ấm, những câu chuyện dí dỏm, hài hước, mỗi giờ học của cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thủy luôn khiến học sinh thích thú. Bằng sự tận tâm, nhiệt huyết, cô đã đồng hành và để lại dấu ấn khó phai trong lòng biết bao học trò của mái trường Hà Nội Amsterdam. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, hãy cùng lắng nghe những chia sẻ thú vị của cô. 

PV: Thưa cô, cơ duyên nào đã đưa cô đến mái trường Hà Nội Amsterdam ạ?

Đó là một cơ duyên may mắn, cho cô cơ hội phấn đấu trong nghề nghiệp, cuộc sống. Cô luôn cảm thấy hạnh phúc vì được công tác dưới mái trường Hà Nội Amsterdam.

PV: Thưa cô, trong rất nhiều ngành nghề mà học sinh khối xã hội có thể lựa chọn, vì sao cô lại lựa chọn trở thành một cô giáo ạ?

Thời cô đi học, bố mẹ chưa có điều kiện để định hướng nghề nghiệp cho con như bây giờ cho nên học sinh chịu ảnh hưởng rất lớn từ thầy cô. Kính trọng, thần tượng các thầy cô khiến cô ao ước sau này mình sẽ trở thành cô giáo đứng trên bục giảng. Như một cái duyên, khi cô tham gia kì thi HSG Quốc Gia cấp THCS, đề thi là “ Văn học đã chắp cánh ước mơ cho em”, cô đã viết về ước mơ trở thành giáo viên dạy Văn. Đạt giải trong kì thi HSG Quốc Gia cấp THPT, cô được thoả nguyện mơ ước vào thẳng khoa Ngữ Văn Đại Học Sư Phạm Hà Nội 1. Đến bây giờ cô chưa bao giờ hối hận vì lựa chọn của mình

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thủy 

PV: Thưa cô, các anh chị khoá trên thường truyền tai nhau về cô Thuỷ không chỉ với những bài giảng văn rất truyền cảm mà còn hay nấu những món ăn rất hấp dẫn. Theo cô, giữa văn chương và ẩm thực có sợi dây liên kết nào không ạ?

Với cô, văn là đời và nấu ăn lại càng đời. Nấu ăn với phụ nữ trước hết là công việc nhưng nếu đam mê, yêu thích thì sẽ cảm thấy vô cùng thoải mái. Khi nấu ăn, cô quan tâm đến dinh dưỡng, sự kết hợp các gia vị, màu sắc của mâm cơm cũng như sự phù hợp với thời tiết,..Cô cảm thấy mâm cơm là một nghệ thuật sắp đặt mà người nấu gửi gắm tình yêu vào đó. Và tất nhiên, 45 phút đứng lớp cũng chính là nghệ thuật sắp đặt. Cô luôn cảm nhận được sự tương đồng giữa hai công việc này vì chúng đều hướng đến những người cô trân trọng trong cuộc sống, gia đình và học trò. 

PV: Ngoài việc học tập trên lớp, cô nghĩ các bạn học sinh ngày nay cần những kĩ năng gì để chuẩn bị cho tương lai ạ?

Không phải đến bây giờ học sinh mới cần kĩ năng sống nhưng xã hội hiện đại với sự rộng mở về thông tin, phát triển mọi mặt kèm theo là những bất trắc, rủi ro có thể đến bất cứ lúc nào. Ngoài kiến thức, các em rất cần trang bị những kĩ năng như tự bảo vệ bản thân, cách tổ chức sắp xếp cuộc sống, kĩ năng khám phá năng lực bản thân. Những kĩ năng mềm đó giúp chúng ta có thể khẳng định mình, sống thân thiện và yêu thương, trách nhiệm.

 

Cô giáo Thanh Thủy bên học trò

PV: Thưa cô, cô có cảm xúc như thế nào mỗi khi đến ngày20/11 ạ?

Mỗi năm đến này 20/11, cô luôn cảm thấy vui và hạnh phúc khi được học trò đến thăm và tri ân,được bạn bè chúc mừng. Đồng thời, cô cũng có niềm vui của người học trò khi được trở về thăm và trò chuyện với những thầy cô giáo cũ.

PV:Thưa cô, cô có thể chia sẻ về ngày 20/11 ấn tượng nhất của mình được không ạ?

Ngày 20/11 mà cô nhớ nhất là ngày 20/11 khi cô còn là học sinh lớp 3. Ngày hôm ấy, cô đã tự tay hái khóm hoa cúc nhà trồng đến tặng cô giáo chủ nhiệm của mình. Dù chỉ là một khóm hoa nhỏ, giản dị nhưng kỉ niệm trong trẻo, hồn nhiên ấy vẫn để lại ấn tượng khó phai trong cô.

Em xin chân thành cảm ơn cô đã dành thời gian trò chuyện. Nhân ngày 20/11, em kính chúc cô sức khỏe, hạnh phúc, luôn vững bước trên sự nghiệp dạy học ạ.

PV: Khánh Vi – Văn 1720