The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Phỏng vấn cô giáo Huỳnh Thị Ái Tâm - Mong muốn Amsers luôn là những cánh buồm vươn ra biển lớn

Post by: webams | 27/11/2015 | 5166 reads

Trường PTTH chuyên Hà Nội – Amsterdam chúng ta có rất nhiều các thế hệ cựu học sinh sau khi ra trường đã quay trở lại và tiếp tục gắn bó với Ams trên cương vị một giáo viên. Trong các giáo viên là cựu Amser ấy có một người rất đặc biệt, đặc biệt theo nhiều cách khác nhau, từ lối giảng dạy cuốn hút học sinh cho tới phong thái gần gũi, thân thương. Nhưng đặc biệt hơn cả vẫn là chất giọng Huế ngọt ngào khiến cho học sinh đắm mình theo từng bài giảng của cô. Cô là cô giáo Huỳnh Thị Ái Tâm – giáo viên dạy Sinh học mà biết bao học sinh yêu mến.

Cô giáo Huỳnh Thị Ái Tâm

PV: Thưa cô, cô có thể giới thiệu qua cho con và các độc giả của AWW về khóa Amsers của cô ngày ấy được không ạ?

Khóa của cô ngày ấy là 1995 -1998 chuyên Sinh con nhé. Thầy chủ nhiệm lớp cô là thầy Trần Đức Hiền.

Cô là một người con đất Huế - mảnh đất có khá nhiều trường danh tiếng. Vậy, điều gì đã đưa cô đến với Ams ạ?

Cô đến với Ams thực ra cũng rất tình cờ. Cô theo gia đình ra Hà Nội khi cô mới học lớp 9, nhưng lúc đó trường mình chưa có Ams 2. Cuối năm lớp 9, cô đánh liều đăng kí dự thi vào Ams 3, thật may mắn là cô đã đỗ Ams và được khoác áo Ams từ đó.

Theo như con được biết, cô là lớp trưởng của lớp Sinh 95 – 98. Với chức vụ lớp trưởng đó, chắc hẳn cô đã có nhiều kỉ niệm đặc biệt và rất đáng nhớ. Cô có thể chia sẻ cho chúng con kỉ niệm đáng nhớ nhất của cô với khóa chuyên Sinh ngày ấy được không ạ?

Kỉ niệm đáng nhớ nhất phải kể đến là khi các cô được đi tham quan rừng Quốc gia Cúc Phương. Lớp cô là 10 Sinh, đi chung với 11 Sinh. Hồi đấy đường vào rừng đi rất khó, và xe các cô bị sa lầy, không di chuyển được. Cả xe ngập dưới sình lầy. Thế là các cô phải xuống và đi bộ gần chục km đường rừng và đêm hôm đó bọn cô không về nhà được. Mà hồi đấy điện thoại không phổ biến như bây giờ, điện thoại di động không có, điện thoại bàn thì rất hiếm. Thế là đêm đấy trường Ams, lúc đấy vẫn còn ở Nam Cao con ạ, phụ huynh đến tìm các con và rất hoảng hốt, lo lắng. Còn các cô thì ở trong rừng, hồi đấy các cô vẫn trẻ con mà, được ở lại thêm một đêm thì rất sướng, không suy nghĩ đến cảnh gia đình mình lo lắng gì cả. Đấy là kỉ niệm vui và đáng nhớ nhất của cô với Sinh 95 – 98.

Tập thể lớp chuyên Sinh 95 – 99. Ảnh: Facebook


Tập thể lớp chuyên Sinh 95 – 99 trong chuyến đi tham quan rừng Cúc Phương. Ảnh: Facebook

Thưa cô, khi được hỏi ấn tượng về cô, các bạn học sinh đều có chung một cảm xúc. Mọi người đều rất thích giọng Huế của cô, thấy cô dạy rất hay, vui tính, tuy rằng kiểm tra rất chặt, nhưng cô rất tâm lý và gần gũi với học sinh. Cô nghĩ sao về điều này ạ?

Trước hết là cô cảm ơn những tình cảm mà các con dành cho cô. Về vấn đề này, cô nghĩ là có lẽ do cô từng là một Amser nên cô hiểu, biết được các con cần gì để có thể cố gắng đáp ứng cho các con.

Điều đó đã gây ấn tượng rất lớn cho các bạn Amsers đấy cô ạ. Thưa cô, cũng sắp đến kỉ niệm 30 năm ngày thành lập trường, cô có lời nhắn nhủ gì đến thế hệ Amsers hiện tại và tương lai không ạ?

Giống như phù hiệu trường Ams là cánh buồm no gió của con thuyền vươn ra biển lớn, cô mong các Amsers sẽ tiếp tục phát huy những truyền thống tốt đẹp mà các thế hệ trước đã đạt được, chủ động cập nhật để mang thương hiệu Hà Nội – Ams đi xa hơn, làm rạng danh đất nước.

Vâng. Con cảm ơn cô nhiều ạ.

PV: Mai Trang – Lý 2 1417