Năm lớp 9, Linh đoạt giải Nhì học sinh giỏi môn Sinh của thành phố Hà Nội. Đó là bước đà để cô gái nhỏ đỗ vào lớp chuyên Sinh của Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam.
Học tập ở ngôi trường chuyên nổi tiếng này, năm lớp 11, Linh tham gia nhóm đề tài dự thi Hội thi Nghiên cứu Khoa học kĩ thuật Intel ISEF Quốc tế 2013 (tổ chức tại Arizona, Hoa Kỳ) và đoạt giải Tư tại Hội thi này.
Với kết quả đó, Linh được đặc cách tuyển thẳng vào nhiều trường đại học ở Việt Nam. Cô gái đã quyết định nộp hồ sơ tuyển thẳng vào Trường ĐH Dược Hà Nội theo nguyện vọng của bản thân và vào Trường ĐH Ngoại thương là vì ước muốn của mẹ.
Nhưng năm đó, Trường ĐH Dược Hà Nội từ chối đơn xét tuyển thẳng của Linh, còn Ngoại thương chấp nhận. Linh của năm 18 tuổi đã quyết định vào học tại đây.
“Nghề Kinh tế chọn mình, em đã nghĩ như vậy”.
Hai năm học tại Ngoại Thương, thành tích của Linh rất tốt. Cô vẫn duy trì điểm GPA 4.0 và nhận học bổng khuyến khích của trường trong một số kì học.
Tuy vậy, Linh cảm thấy không thật sự hạnh phúc, đôi khi trống rỗng, như là thiếu một cái gì đó.
Cô cũng tham gia vào nhiều hoạt động ngoại khóa, trở thành thành viên của FYT - Trung tâm bồi dưỡng tài năng trẻ của FPT.
“Qua những trải nghiệm đó, lòng can đảm, dám bước ra khỏi vùng an toàn, theo đuổi ước mơ của em được nhân lên. Và sự kiện mang tính quyết định khiến em đưa ra lựa chọn quay lại với Sinh học là sau khi tham gia Trường hè khoa học 2015. Em nhận ra chắc chắn sâu thẳm đam mê của mình luôn là nghiên cứu khoa học và cụ thể là công nghệ sinh học”.
Khi nhận ra điều đó, Linh đã tự nhủ bản thân hãy thử đi ngược dòng một lần.
Và vì thế, thời điểm chuẩn bị vào năm thứ hai tại Ngoại thương, Linh cũng bắt đầu hành trình tìm kiếm học bổng du học.
Năm 2016, Đỗ Thùy Linh sang ĐH Kyushu với học bổng toàn phần MEXT của Chính phủ Nhật Bản. Tháng 8/2020, cô lại khăn gói sang Hà Lan học thạc sĩ với hành trang là suất học bổng Erasmus Mundus.
Đây đều là những học bổng có tính cạnh tranh rất cao, và Linh là một trong số rất ít người chinh phục thành công cả hai.
Linh từng chia sẻ vui rằng chọn học bổng MEXT do có dịp ghé thăm Nhật năm 2013, ấn tượng bởi đất nước xinh đẹp và con người Nhật Bản; còn Linh chọn học bổng Erasmus Mundus do đã đặt chân đến châu Á, châu Mỹ, châu Úc nên cô quyết định chọn châu Âu là chặng dừng tiếp theo.
Nhưng không chỉ có vậy.
“Em quan tâm hàng đầu tới chất lượng của chương trình khi chọn điểm đến. Bởi lẽ, việc nộp hồ sơ học bổng có thể ngắn, nhưng mình sẽ dành thời gian nhiều năm sống, học tập tại đó, sống với sự lựa chọn của mình. Thêm vào đó, vì gia đình không có điều kiện về kinh tế, nên em luôn lựa chọn các chương trình có học bổng toàn phần để nộp hồ sơ.
Tại thời điểm nộp hồ sơ đi học đại học, Nhật Bản là sự lựa chọn hàng đầu và hoàn hảo nhất với em” – Linh lý giải.
Khi tốt nghiệp đại học, thì Châu Âu - nơi có môi trường và văn hóa hoàn toàn khác biệt - là nơi Linh muốn sống, học tập và trải nghiệm trong ít nhất 2 năm.
Để theo đuổi mục tiêu đẩy nhanh việc chuyển giao các kết quả nghiên cứu sinh học cơ bản thành phương pháp y học mới cho bệnh nhân ung thư, Linh đã đăng ký khóa học thạc sỹ Erasmus+ International Master in Innovative Medicine (IMIM).
IMIM là chương trình đào tạo thạc sĩ xuất sắc, giảng dạy bằng Tiếng Anh, kéo dài 2 năm tại 3 trường nằm trong top 100 trường đại học tốt nhất thế giới, tập trung vào việc giáo dục các nhà nghiên cứu y sinh tịnh tiến (translational scientist).
“Vì là chương trình học bằng kép nên khi tốt nghiệp, em sẽ nhận được 2 tấm bằng thạc sỹ từ ĐH Groningen (Hà Lan) và ĐH Uppsala (Thụy Điển). Em lựa chọn chương trình IMIM vì hai trường thành viên đều có chương trình giảng dạy chuyên sâu về thuốc phân tử và phương pháp chữa trị tiên tiến”.
Theo Linh, việc học năm đầu tại Hà Lan sẽ giúp Linh bổ sung và mở rộng các kiến thức cơ sở ngành, để sau đó 3 kì học còn lại được đi thực tập, sử dụng kiến thức vào thực tiễn.
Năm thứ hai tại Thụy Điển, Linh có cơ hội để xin thực tập tại các công ty dược phẩm hàng đầu thế giới như Roche, AstraZeneca, Novartis. IMIM là chương trình toàn diện chuẩn bị đầy đủ kiến thức và kĩ năng cho sinh viên để họ sẵn sàng cho cả môi trường làm việc trong trường đại học, viện nghiên cứu đến các công ty dược.
Linh kể rằng khi học ở Nhật, các anh chị bên trường Kyushu hay nói đùa cô là “Linh siêu nhân”, vì mọi người thấy cô cùng một lúc làm nhiều thứ quá: làm nghiên cứu trên phòng thí nghiệm toàn thời gian, đi dạy Tiếng Anh với Tiếng Việt cho người Nhật vào lúc rảnh; là Dorm Leader quản lý và tổ chức sự kiện cho khoảng 600 bạn sống trong kí túc xá.
Ngoài ra, trong thời gian 4 năm ở Nhật, Linh đã xin được các học bổng trao đổi, ngắn hạn, thực tập để đặt chân đến 9 quốc gia, và đều được đài thọ 100% như Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ, New Zealand, Trung Quốc, Singapore...
Hỏi rằng cô lấy đâu ra năng lượng để làm mọi việc, đi khắp nơi như vậy, Linh nói rằng “Nếu muốn sẽ tìm cách, nếu không muốn sẽ tìm lý do”.
“Quan điểm của em là khi biết mình muốn gì, và đặt mục tiêu, thì sẽ tìm cách để đạt được. Ví dụ, em muốn có kinh nghiệm làm việc ở môi trường bên ngoài châu Á, nên em tìm cách để nộp đơn đi thực tập tại châu Âu và New Zealand. Trước khi trúng tuyển tại New Zealand, em cũng đã trải qua vài lần bị từ chối bởi một số viện nghiên cứu tại Châu Âu. Thắng không kiêu, bại không nản, kiên trì quyết tâm theo đuổi mục tiêu.”.
Nói riêng về việc học, cô gái này cho biết câu nói đúng với cô là “Học, học nữa, học mãi”.
“Đối với em, học là cách để mình lớn hơn, trưởng thành hơn. Nếu mình nhìn từ học từ góc nhìn học ở trường đời, học từ người làm việc cùng với ta, bạn bè của ta, thì chữ HỌC được mở rộng ra hơn nhiều. Đôi khi lịch học dày đặc, em cũng cố gắng dành một tuần ít nhất một buổi tối là thời gian cho bản thân để nghỉ ngơi, và cân bằng.
Nếu các bạn cảm thấy sự học quá tải, hãy nghỉ ngơi một chút, đi chơi với bạn bè, dành một buổi tối xem phim thư giãn, làm những điều các bạn thích, em tin là các bạn sẽ cảm thấy khá hơn”.
Có 4 “bí quyết” mà theo Linh, đã làm nên thành công của cô. Đó là tinh thần chủ động, quản lý thời gian, đừng sợ sai, cân bằng cuộc sống và tận hưởng.
Linh cũng chia sẻ sau khi tốt nghiệp IMIM, cô sẽ có rất nhiều cơ hội như nộp hồ sơ vào các chương trình graduate program của các công ty dược như Novo Nordisk, AstraZeneca. Cô cũng có thể tiếp tục làm tiến sĩ với học bổng của Marie Curie Fellowship. Cơ hội tham gia vào một công ty startup về lĩnh vực y sinh học cũng rất tiềm năng.
“Tại thời điểm này, em chưa quyết định cụ thể, mà sẽ nộp hồ sơ và nắm bắt tất cả cơ hội mình có. Sau đó, em sẽ đưa ra quyết định cuối cùng”.