The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Vũ Thảo Phương – Amser xuất sắc giành học bổng đại học Pennsylvania

Post by: webams | 06/01/2017 | 11271 reads

Trong đợt tuyển sinh của các trường tại Mỹ vừa qua, rất  nhiều Amsers đã giành được kết quả xuất sắc với tấm vé vào được ngôi trường mình mơ ước. Và một trong số đó là cô bạn Vũ Thảo Phương, người đã giành được học bổng của trường University of Pennsylvania (UPenn). Hãy cùng Ams Wide Web lắng nghe những chia sẻ và lời khuyên từ Thảo Phương nhé!

PV: Chào Thảo Phương! Đầu tiên xin chân thành chúc mừng bạn vì đã đạt được kết quả đáng ngưỡng mộ như vậy. Bạn có thể nói qua về thành tích của mình trong đợt tuyển sinh vừa rồi không? Vì sao bạn lại chọn UPenn là nơi học tập sau này?

Mình vừa được nhận vào trường University of Pennsylvania (UPenn) – đứng thứ 8 trong bảng xếp hạng của USNews trong đợt ED vừa rồi. Mình rất thích UPenn vì hầu như tất cả các ngành học trong trường từ STEM đến các ngành xã hội đều rất tốt và trường cũng rất chú trọng đến việc kết hợp các ngành học với nhau thay vì chỉ học một cách riêng lẻ. Sau này mình muốn học và làm việc trong lĩnh vực Sức khỏe tâm lý (mental health), một vấn đề khá là phức tạp, nên mình rất muốn tiếp nhận được kiến thức sâu rộng về nhiều ngành đa dạng như vậy. Hơn nữa ở UPenn cũng có nhiều anh chị Amser từ các khóa trước và mọi người đều vừa thông minh lại vừa thân thiện, dễ gần nên mình cũng muốn được là một phần của cộng đồng đó.

PV: Trong quá trình xin học bổng, có lẽ việc chuẩn bị hồ sơ là công việc đòi hỏi đầu tư cần suy nghĩ kí lưỡng nhất. Theo bạn, các nhà tuyển sinh chú trọng điều gì nhất ở thí sinh? Cần làm gì để hồ sơ có sự nổi bật?

Các nhà tuyển sinh không đặc biệt chú trọng đến một khía cạnh cụ thể nào mà họ sẽ nhìn vào tổng thể hồ sơ của thí sinh, bao gồm thành tích học tập (điểm trên lớp, điểm thi chuẩn hóa), hoạt động ngoại khóa, bài luận, thư giới thiệu của giáo viên,… Mỗi phần này lại nói lên một điều khác nhau về con người bạn và chúng như những mảnh ghép để hội đồng tuyển sinh có thể hình dung bạn là người như thế nào. Tuy nhiên bạn vẫn phải thể hiện những phần này một cách thống nhất chứ không để các phần quá tạp nham hay lộn xộn được. Ví dụ như bạn không nên viết bài luận về việc bạn thích khoa học tự nhiên nhưng lại không làm hoạt động ngoại khóa nào về lĩnh vực này.

Một cách để làm hồ sơ có sự nổi bật là làm những thứ mới mẻ và sáng tạo thay vì chỉ làm những tất cả mọi người đều làm. Vì thế nên mình khuyên mọi người không nên chạy theo những gì người khác làm để “bằng bạn bằng bè” mà nên làm những gì mình thực sự thích hoặc xem xung quanh có những vấn đề gì cần được giải quyết và tìm những cách sáng tạo để giải quyết chúng.

PV: Bạn hãy chia sẻ những  kinh nghiệm khi viết luận? Làm thế nào để qua bài luận, ứng viên có thể thể hiện được bản thân một cách trọn vẹn, đầy đủ nhất?

Đối với bài luận chính thì bắt đầu càng sớm càng tốt. Mình đi học một lớp viết luận từ học kì II lớp 11 để làm quen dần với cách lên ý tưởng bài luận rồi bắt đầu viết thử một số bài trước. Tuy nhiên thì bạn cũng không nhất thiết phải đi học lớp mà hoàn toàn có thể tự tìm hiểu các tài liệu, sách tham khảo hay các trang web để hiểu được qua về cách viết luận rồi cũng có thể  lên ý tưởng và viết thử luôn. Bản hướng dẫn viết luận mà mình thích nhất và thấy hiệu quả nhất là của chị Nguyễn Hữu Cát Thư học MIT (Google là ra thôi). Nói chung là việc viết luận, cả bài luận chính lẫn bài luận phụ, đều nên bắt đầu sớm và nên tận dụng mùa hè để viết và hoàn thiện bài luận vì đây là cả một quá trình dài chứ khó có thể viết hay đúng ý mình khi chờ đến gần deadline mới bắt đầu viết.

Để bài luận thể hiện được bản thân trọn vẹn, đầy đủ nhất thì nên đưa ra nhiều ý tưởng rồi thảo luận với mọi người xung quanh hay viết nháp thử trước xem cái nào có triển vọng nhất rồi tiếp tục chứ không nên dính ngay lấy một ý tưởng ngay từ đầu. Bài luận có thể về những thứ to tát và quan trọng (ví dụ như gia đình hay một trải nghiệm khó quên nào đấy) nhưng cũng có thể đơn giản là những khoảnh khắc nhỏ hay trải nghiệm thường ngày mà nghe có vẻ tầm thường nhưng lại làm mình nhận ra những triết lí hay bài học cuộc sống sâu sắc.

“Mình nghĩ điều quan trọng cần chú ý trong việc hoạt động ngoại khóa đầu tiên là bạn phải thích và phải thể hiện được sự gắn bó, đam mê của mình với hoạt động chứ không phải làm để làm đẹp hồ sơ.” Thảo Phương chia sẻ

PV: Trong hồ sơ, điểm thi chuẩn hóa là một trong những thước đo để đánh giá năng lực học tập của ứng viên. Lời khuyên để được điểm cao trong kì thi chuẩn hoá của bạn là gì?

Đầu tiên là cần chuẩn bị cho những kì thi này càng sớm càng tốt để làm quen dần với dạng đề và có thời gian ôn luyện dài. Ngoài việc học ở các lớp luyện thi thì nên tự học thêm ở nhà và tìm kiếm thêm tài liệu trên mạng để làm. Bây giờ cũng có một số app học SAT/TOEFL khá là hay ho thì các bạn có thể tải về để luyện mỗi ngày. Còn khoảng một tháng trước khi thi thì cách ngày lại làm một bài thi thử có tính giờ một cách nghiêm túc rồi tự tính điểm để xem trình độ mình đến đâu và cần củng cố thêm phần nào. Nên có kế hoạch ôn luyện lâu dài chứ không nên chờ đến gần ngày thi mới bắt đầu ôn, ngay cả nếu có bận thì cũng nên dành ra một khoảng thời gian nhất định mỗi tuần để học một cách đều đặn.

PV: Ngoài việc phải có thành tích học tập xuất sắc, việc ứng viên có hoạt động ngoại khóa nổi bật cũng quan trọng không kém. Bản thân bạn đã đạt được thành tích gì trong các hoạt động ngoại khoá? Điều quan trọng cần chú ý trong việc hoạt động ngoại khoá là gì?

Mình là một trong những người thành lập câu lạc bộ Psi Ams và là trưởng ban biên tập của câu lạc bộ Ams Writers’ Guild năm ngoái. Ngoài trường thì mình tham gia câu lạc bộ SEALNet Club Hanoi để đi dạy tiếng Anh hàng tuần cho trẻ em ở Tân Ấp và góp phần gây quỹ để thành lập một tủ sách nhỏ ở bệnh viện Bạch Mai.

Mình nghĩ điều quan trọng cần chú ý trong việc hoạt động ngoại khóa đầu tiên là bạn phải thích và phải thể hiện được sự gắn bó, đam mê của mình với hoạt động chứ không phải làm để làm đẹp hồ sơ. Những hoạt động này không nhất thiết phải hoàn toàn cùng một chủ đề hay liên quan đến ngành học miễn là bạn thể hiện được mình làm một cách tử tế và có sự gắn bó lâu dài, đều đặn. Nếu tìm được sự liên kết giữa những hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau nữa thì càng tốt. Ví dụ như 3 chủ đề chính trong hoạt động ngoại khóa của mình là Tâm lý học, Tiếng Anh – Ngôn ngữ, Hoạt động cộng đồng, và bài luận phụ về mục tiêu tương lai của mình là phát triển các phương pháp trị liệu ngôn ngữ cho trẻ em tự kỉ đều kết nối được cả 3 chủ đề này.

PV: Theo bạn, nên làm thế nào để xác định trường và ngành học phù hợp với bản thân?  

Về ngành học thì việc xác định bây giờ cũng chỉ là tương đối thôi nên mình nghĩ chưa phải quá lo lắng về vấn đề này. Hầu như các trường đều có 2 năm đầu học đại cương rồi học sinh mới phải quyết định chuyên ngành của mình. Mình biết rất nhiều anh chị trước khi vào đại học muốn học một thứ nhưng khi vào rồi thì lại học thứ khác.

Còn việc chọn trường thì cũng phải xét đến nhiều yếu tố. Đầu tiên là ngành học, nếu bạn chưa chắc mình muốn học ngành gì thì cũng nên xem hướng đi chung của mình như thế nào (ví dụ như thích học STEM hay học xã hội hay cả hai). Ngoài ra còn có các yếu tố khác như cộng đồng học sinh (thân thiện hay thích ganh đua?), thời tiết (nóng hay lạnh?), sự đa dạng văn hóa, an ninh,… Không nên chọn trường chỉ dựa vào ranking mà còn phải xem mình có phù hợp với trường không nữa. Vì thế nên việc nghiên cứu trường là rất quan trọng và nên nghiên cứu nhiều nguồn khác nhau, nói chuyện được với những học sinh đang theo học tại trường thì còn tốt hơn nữa.

PV: Bạn muốn nhắn nhủ điều gì đến các ứng viên đang có ý định  xin học bổng?

Hãy tự tin thể hiện đúng bản thân mình. Quá trình apply đúng là gian khổ nhưng mình tin là nếu các bạn chăm chỉ và dồn nhiều công sức vào nó thì bạn sẽ nhận được kết quả tốt mà bạn xứng đáng. Đừng vì ngại hi sinh, ngại làm việc mà “đi đường tắt” (nói dối, làm giả hồ sơ,..) vì nó có thể giúp bạn vào trường nhưng sẽ không thể giúp bạn sống sót trong trường được, và thậm chí còn ảnh hưởng đến các thế hệ sau ở trường Ams và cả Việt Nam nữa.

PV: Bạn có điều gì muốn nhắn gửi đến các thầy cô giáo không?

Mình xin cảm ơn cô Đinh Thị Hoàng Ngân, cô giáo chủ nhiệm của mình vì đã giúp đỡ mình rất nhiều trong những tháng vừa qua. Mình cũng xin cảm ơn cô Huỳnh Ái Tâm và thầy Lê Thành Trung đã nhận lời viết thư giới thiệu cho mình vì đây là một phần mang sức nặng rất lớn trong hồ sơ. Mình cũng xin cảm ơn tất cả các thầy cô vì đã tạo điều kiện để những học sinh có ý định đi du học như mình vừa có thể theo học trên lớp mà vẫn có thời gian cho việc hoàn thiện hồ sơ.

Xin cám ơn Thảo Phương và chúc bạn may mắn trên con đường học tập sau này của mình!

PV: Khánh Linh – Trung 1619