Tết Trung thu xưa và nay: Nét văn hóa song hành cùng thời gian
Hàng năm cứ đến rằm tháng Tám, nhà nhà lại hào hứng đón ngày Tết trung thu . Trải qua nhiều năm tháng, cách đón Trung thu của con người hiện đại đã có nhiều thay đổi. Những đổi thay ấy đến từ cuộc sống no đủ, tiện nghi, từ sự năng động, nhạy bén các xu hướng mới khi hòa vào dòng chảy hội nhập nhưng cũng khiến nhịp sống thêm vội vã hơn. Tuy vậy, giá trị tinh thần cốt lõi của tết Trung thu vẫn được đề cao và khung cảnh đón Trung thu trên khắp đất nước ta vẫn đẹp và đáng nhớ một cách rất Việt Nam.
Đồ chơi trung thu ngày xưa của con trẻ giản dị đơn sơ, là những chiếc đèn ông sao, đèn lồng, đèn kéo quân. Chiếc đèn thủ công do tay cha tay mẹ làm hay do hì hục làm cùng hội bạn, món đồ chơi nhỏ mà mang đến biết bao niềm vui. Những con phố Hàng Gai, Hàng Thiếc, Hàng Hòm, Hàng Mã mỗi dịp trung thu lại tấp nập người qua lại, hàng nào trên phố cũng bày bán những món đồ chơi thủ công mà mỗi khi đi qua đứa trẻ nào cũng ngoái lại nhìn ngắm mãi không chán. Dần dần qua tháng năm, những món đồ chơi tháng tám trở nên phong phú, đa dạng và hiện đại hơn. Trước kia, đồ chơi Trung thu gồm những con tò he đủ màu, ông tiến sĩ giấy, mặt nạ giấy bồi, chiếc đèn ông sao lấp lánh muôn màu, nay lại là những chiếc đèn điện tử phát ra ánh sáng xanh đỏ nhấp nháy bắt mắt, tiếng nhạc vui tai hay bởi những chiếc mặt nạ sặc sỡ . Đồ chơi phong phú và hiện đại hơn nhiều, nhưng ánh mắt lấp lánh hồn nhiên của những đứa trẻ mỗi khi đi qua những gian hàng rực rỡ sắc màu trên phố cổ, và tình cảm của mẹ cha khi dành cho chúng món quà chúng yêu thì vẫn luôn còn đó.
Trung thu ngày xưa, là cả khu phố cùng nhau bày biện mâm cỗ trông trăng với vài thứ bánh kẹo, hoa quả, cầu kì hơn lại thêm chú chó xinh xinh bằng bưởi. Tối đến, trẻ con trong khu phố lại rồng rắn nhau rước đèn, tay cầm đủ loại đèn ông sao, đèn cá chép “cán cao quá đầu” đang lắc lư theo những bước chân hăm hở. Ánh đèn cùng ánh trăng soi sáng những gương mặt rạng rỡ hát nghêu ngao “ tùng dinh dinh dinh dinh tùng dinh dinh…..”. Các em cùng nhau chơi những trò chơi dân gian: múa lân, rồng rắn lên mây, rước đèn kéo quân,……. Trăng lên cao theo tiếng trẻ thơ rộn ràng.
“Em cầm đèn sao em hát vang vang/ Đèn sao tươi màu của đêm rằm liên hoan”
Người lớn lại ngắm trăng theo 1 cách riêng, đó là ngồi bên nhau ăn bánh, thưởng trà, chuyện trò vui vẻ trong ngày trăng thanh. Tiết trời dịu mát dường như cũng khiến cho lòng người khoan khoái hơn, mọi lo toan ngày thường trôi đi nhẹ bẫng, và ánh trăng, và đám trẻ hiếu động đáng yêu phá cỗ đem đến cho người lớn niềm vui đơn thuần nhất, sáng trong nhất. Ngày nay, mâm cỗ lại do từng nhà bày biện, có phần đủ đầy hơn, tòa nhà cao tầng mọc lên san sát với “ánh điện”, “cửa gương” nên phá cỗ, trông trăng tập thể dường như không còn phổ biến nữa. Thế nhưng, các khu dân cư vẫn tổ chức cho các em nhỏ vui tết Trung thu, tiếng trống vẫn rộn ràng trong ngõ nhỏ, phần thưởng cho các bé hát hay, múa đẹp là chiếc đèn ông sao hay chiếc trống con. Vui trung thu cùng các bạn, trở về với gia đình, lúc này trung thu trở thành “tết Đoàn viên” trọn vẹn. Cả nhà có thể quây quần bên nhau phá cỗ, hay hòa mình vào dòng người nhộn nhịp nơi phố cổ, thậm chí nhiệt tình kéo theo bè bạn cùng đi chơi. Mọi khoảnh khắc tuyệt vời chúng ta có là khi ta ở bên bạn bè và gia đình, bất kể ở nơi đâu, bất kể ta làm gì.
Bánh nướng bánh dẻo- thức quà không thể thiếu mỗi mùa Trung thu
Trung thu là Tết Đoàn viên
Trường Ams của bạn và tôi cũng là một ngôi trường hiện đại, bạn và tôi là những học sinh năng động, cá tính, dần chín chắn trong nhận thức và suy nghĩ nhưng chúng ta vẫn chưa bao giờ quên cảm giác háo hức đón đợi tết Trung thu. Lớp chúng ta vẫn chưa từng bỏ lỡ một dịp liên hoan Trung thu nào, với bánh kẹo giản đơn như khi ta còn nhỏ, với lời mắng yêu của các bác phụ huynh “ Lớn thế rồi mà vẫn thích đón Trung thu, đến tuổi phải tổ chức chu đáo cho các em nhỏ rồi”. Những người cha người mẹ của chúng ta nói vậy, nhưng vẫn ân cần chăm lo cho buổi liên hoan của chúng ta. Lúc ấy, ta cảm thấy mình như trẻ thơ hơn, cảm nhận được tấm lòng cha mẹ hơn bao giờ hết. Ý nghĩa của Trung thu là như vậy, dạy ta biết yêu và trân quý những điều vô giá mà ta, thật may mắn có được.
Trung thu mỗi thời mỗi đổi thay, nhưng bạn và tôi ơi, hãy trân trọng từng mùa Trung thu, hãy luôn giữ tinh thần Trung thu trong mỗi trái tim vẹn nguyên, rộn ràng, hướng đến những người ta yêu thương nhất để những mùa Trung thu trong cuộc đời luôn là những kí ức đẹp đẽ, ấm áp.
PV: Trang Linh – Văn 1316