The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Lựa chọn điểm đến du học thời suy thoái

Post by: hn-ams | 24/08/2013 | 3093 reads

Du học hiện trở thành một trào lưu trên thế giới. Theo Tổ chức Hợp tác và  Phát triển châu Âu, trong vòng 10 năm, số du học sinh đã tăng gấp đôi, lên đến hơn 4 triệu người trên toàn thế giới.

Ba điểm đến hiện được cho là hấp dẫn nhất đó là: Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ. Tuần báo Courrier International mới đây đăng bài viết dài cho chủ đề này với dòng tựa lớn: “Sinh viên: Đi học nơi khác luôn có vẻ tốt hơn”.

Courrier International dẫn lại bài của các tờ The Daily Beast, The New York Times tại New York, tờ Der Spiegel tại Hambourg-Đức, tờ La Republica tại Italia, tờ Publico tại Tây Ban Nha và tờ Quảng Châu Thời Báo tại Trung Quốc. Đề cập đến động cơ du học, các tờ báo nhấn mạnh đến việc muốn làm quen với một nền văn hóa khác, học tiếng và tăng cơ hội kiếm được việc làm ổn định và có lương cao. Liên quan đến các địa điểm đào tạo đang trở nên thu hút, các tờ báo cho biết, Trung Quốc nói chung và Bắc Kinh nói riêng là trung tâm giáo dục ngày càng thu hút du học sinh quốc tế.

Chỉ tính số lượng học bổng chương trình Schwarzman Scholars do nhà tỉ phú  Mỹ Stephen Schwarzman vừa thành lập và bắt  đầu từ năm 2016, có đến 200 du học sinh được học bổng của quỹ này (40% quốc tịch Mỹ và  60% các quốc tịch khác) sẽ theo học tại trường Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, nơi đã đào tạo nhiều nhà lãnh đạo nổi tiếng Trung Quốc. Mục đích là để khám phá thế mạnh nền kinh tế đang xếp thứ hai thế giới.

Ý tưởng dự án được Giám đốc đại học Thanh Hoa đề xuất với tỉ phú Mỹ, nhân kỉ niệm 100 năm thành lập Đại học, năm 2012, nhằm “giảm bớt căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước phát triển, do kinh tế Trung Quốc tăng gấp 2-3 lần so với các nước công nghiệp hóa”.

Ngoài giờ học, các sinh viên sẽ  được gặp các nhà lãnh đạo cao cấp, đi thực tế tại các vùng khác nhau của Trung Quốc và mỗi người sẽ có một người hướng dẫn. Chương trình nhận được sự ủng hộ của Chủ tịch nước Tập Cận Bình vì “một trong những ưu tiên hàng đầu của chính phủ là nâng các trường đại học lên tiêu chuẩn quốc tế”.

Tỉ phú Stephen Schwarzman đã thuyết phục được nhiều nhà lãnh đạo chính trị và các nhân vật quốc tế đỡ đầu cho chương trình của mình, trong đó có cựu Thủ  tướng Anh Tony Blair, ba cựu Ngoại trưởng Mỹ là  Henry Kissinger, Colin Powell và Condoleezza Rice và ngoài ra còn có cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy.

Nước láng giềng Ấn Độ lại là “cõi thần tiên” đối với du học sinh ngành quản trị, đặc biệt là du học sinh Đức. Đất nước hơn 1,2 tỉ  dân này nổi tiếng nhờ 13 học viện quản lý và các trường thương mại, với điều kiện tuyển sinh khó khăn và chỉ tiêu tuyển sinh rất thấp. Chính vì thế, số du học sinh nước ngoài may mắn theo học tại các trường này đều nằm trong chương trình hợp tác trao đổi.

Các trường thương mại của Đức đặc biệt quan tâm tới Ấn Độ vì nền kinh tế nước này ngày càng tăng sức nặng trên thế giới.

Từ khi tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ  hai tại Thổ Nhĩ Kỳ, sinh viên nước này ưu tiên chọn du học tại Mỹ. Sinh viên Thổ Nhĩ Kì  ngày càng nhắm đến Mỹ nhiều hơn so với Anh và  Pháp bởi Anh thắt chặt việc cấp visa và tiếng Pháp ít được sử dụng. Với gần 12.000 sinh viên theo học trên các giảng đường đại học Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ vượt qua các nước Anh (với 9.000 sinh viên) hay Đức (với 9.300 sinh viên).

Nếu như sinh viên Đức đi du học ở  Mỹ, các trường đại học nước này lại làm điểm đến lý tưởng thứ hai (sau Argentina) cho sinh viên Italia, nhờ vị trí giáp biên giới và kinh tế phát triển hơn. Với sinh viên Italia, du học là cơ hội tìm chân trời mới, để tránh thất vọng và tình trạng thất nghiệp: 22,1% trong số họ chọn điểm đến lý tưởng là châu Mỹ, 13,7% chọn châu Á và 34,6% chọn châu Âu.

Tương tự trường hợp sinh viên Italia, sinh viên Tây Ban Nha chọn ra nước ngoài vì đất nước họ không có khả năng tạo việc làm cho cử nhân trẻ. Từ cuộc khủng hoảng năm 2008, số người Tây Ban Nha sống ở nước ngoài tăng 5,5%. Ngược lại, với xu hướng du học để tìm kiếm việc làm ở nước ngoài, trong vòng 5 năm trở lại đây, số du học sinh Trung Quốc về nước rất đông, khoảng 800.000 người. Tuy vậy, việc làm tại Trung Quốc cũng chẳng dễ dàng gì. Một cuộc thăm dò cho biết, khoảng 60% du học sinh Trung Quốc về nước ít hài lòng với công việc và mức lương hiện tại, 79% muốn quay về Trung Quốc và muốn làm việc cho các công ty nước ngoài tại Trung Quốc, chủ yếu là các công ty châu Âu và Mỹ. Những lĩnh vực đặc biệt thu hút cựu du học sinh là tin học, tài chính và công nghiệp tiêu dùng.

(Theo Đài Tiếng nói nước Nga)