Chiến thuật giành học bổng đại học danh tiếng Mỹ
Thay vì bảng điểm hoành tráng, Nguyễn Tài Đức chinh phục đại diện đến từ Macalester College, một trong 30 đại học hàng đầu Mỹ, bằng thành tích ngoại khóa. Tháng 8 này cậu sẽ sang Mỹ học chuyên ngành Media Studies.
Với Đức, vào được trường top 30 của Mỹ là một may mắn. Ảnh: Bình Minh.
Nguyễn Tài Đức, lớp 12 chuyên Nga trường Hà Nội - Amsterdam vừa giành học bổng 70% của trường Macalester College. Trước buổi phỏng vấn 3 ngày, cậu được bạn chia sẻ thông tin và tìm hiểu về trường. Ban đầu nghĩ đi phỏng vấn cho vui, lấy kinh nghiệm, nhưng khi đọc thông tin về trường, Đức bị ấn tượng bởi logo Liên Hiệp Quốc có hình quả địa cầu nằm trong quả cam bóc vỏ.
Nhận thấy trường đứng trong top 30 đại học hàng đầu của Mỹ, có cơ hội việc làm tại Liên Hiệp Quốc sau khi ra trường và có nhiều nhân vật nổi tiếng từng học như cựu Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan, Đức hào hứng đi phỏng vấn. Tự nhận học lực chỉ bình thường vì điểm tổng kết 8,7, Đức đến gặp đại diện trường Macalester với bản hồ sơ mạnh về thành tích hoạt động ngoại khóa.
Là người phỏng vấn cuối cùng, Đức được "ưu ái" dành khá nhiều thời gian để chuyện trò với tiến sĩ Robert Steven Colee, người phụ trách bộ phận hỗ trợ tài chính cho sinh viên của trường. "Lần đầu tiên đi phỏng vấn nên em rất run. Sau ít phút mất bình tĩnh, em đã tập trung vào truyền thống, điểm mạnh của trường, đặc biệt nói nhiều về bóng chày, môn thể thao ông ấy yêu thích", Đức nhớ lại.
Đức kể, tiến sĩ Colee "mắt bừng sáng" khi biết cậu là đội trưởng bóng chày của trường Ams. Trong tưởng tượng, ông Colee không nghĩ môn thể thao này lại "tồn tại" ở Việt Nam. Còn với Đức, cậu đến với bóng chày như một cách xả căng thẳng học hành. Mỗi lần cầm quả bóng và ném thật mạnh về phía trước, cậu thấy như được giải tỏa.
Năm 2011, Đức sang Thái Lan dự giải rubic quốc tế. Chuyến đi này có cả bố mẹ cậu theo cùng.
Ngoài bóng chày, Đức còn "bàn luận" về truyền thống Scotland của trường. Người xứ Scotland thường chơi một loại nhạc cụ đặc biệt, biết được điều này, cậu hỏi ông Colee trường có lớp học nào như thế? Thời tiết cũng là điều Đức quan tâm. Thấy cậu lăn tăn không biết sinh viên quốc tế chống chọi với cái lạnh thế nào, đại diện trường kể về cậu học sinh Uganda chưa bao giờ thấy tuyết. Đến kỳ nghỉ đông, ai cũng nghĩ cậu sẽ về nước tránh rét nhưng cậu ở lại, mua rất nhiều quần áo và quấn vào người như quả bóng. Sau đó, nam sinh còn đưa cả em gái sang cùng.
Là trường có "liên quan tới Liên Hiệp Quốc" nên theo Đức, người phỏng vấn thích những ứng viên biết nhiều ngoại ngữ. Đức chia sẻ, biết cậu học tiếng Nhật năm cấp 2, cấp 3 học tiếng Nga, tiếng Anh, tiến sĩ Colee tỏ vẻ ấn tượng.
Không giống với những bạn khác chỉ chú trọng đến điểm số, Đức tâm niệm "làm được gì cho đời" mới quan trọng. Bản thân Đức cuối năm lớp 8 từng tham gia trại hè của CISV, một tổ chức quốc tế được thành lập với mục đích thúc đẩy hòa bình thế giới thông qua việc trao đổi văn hóa giữa trẻ em các nước. Chuyến giao lưu kéo dài một tháng ở Italia đem lại cho cậu nhiều trải nghiệm quý báu. Đến giờ, Đức vẫn còn giữ liên lạc với những người bạn quốc tế.
Cùng với bảng thành tích ngoại khóa trên, trong buổi phỏng vấn, Đức cũng chia sẻ với ông Colee về sở thích chơi rubic. Năm 2011, Đức cùng bốn bạn sang Thái Lan dự giải vô địch rubic thế giới. Lần ấy, Đức đạt thành tích 11 giây, cao nhất toàn đoàn Việt Nam và xếp thứ 30 khu vực châu Á.
Ở trường, Đức thường đảm nhiệm những công việc làm clip cho các sự kiện. Cậu ước mơ sau này trở thành nhà làm phim.
Nhắc đến thành công, Đức tự nhận may mắn và khác biệt. May mắn ở chỗ dù bảng điểm không thực sự xuất sắc, điểm thi tiếng Anh không vượt trội so với học sinh chuyên Anh, nhưng Đức có "chiến thuật" nói chuyện phù hợp, đánh trúng sở thích, tâm lý của người phỏng vấn. Bởi vậy, cậu là người được chọn trong số những học sinh Amsterdam nộp hồ sơ.
Đức chia sẻ, một người bạn trong trường cũng đi phỏng vấn trường Macalester nhưng đã sai lầm khi nói nhiều về rock. Rút kinh nghiệm, Đức chú trọng tới những thứ cổ điển hơn. Một thời gian sau phỏng vấn, Đức nhận email chúc mừng của trường khi đang ngồi học trong lớp.
"Em nhận tin nhắn của bạn nói ứng viên cùng trường bị trượt. Hồi hộp, em ra ngoài mượn bạn ấy máy để check mail. Em đã phải nhập đi nhập lại password vài lần mới vào được, sau đó cũng phải đọc kỹ thư mới hiểu mình đã được nhận. Em đã hét òa lên vui sướng trong tiếng chúc mừng của bạn bè", Đức kể và cho hay mùa săn học bổng năm nay, cậu định gửi 15 bộ hồ sơ nhưng mới nộp gần chục bộ. Ngoài Macalester, bốn trường khác đã nhận Đức, số còn lại chưa có kết quả.
Trong suốt quá trình làm hồ sơ gửi sang các trường ở Mỹ, Đức luôn được mẹ hỗ trợ. Cậu thi vào chuyên Nga cũng một phần vì có cả bố và mẹ từng học ở Nga, phần vì biết "lượng sức mình". Vào cấp 3, thấy bạn bè rục rịch ý định đi du học, Đức bắt đầu nuôi ước mơ. Ngoài học, cậu tích cực tham gia các hoạt động, đóng góp nhiều tài năng đàn, beatbox và làm clip.
Ước muốn trở thành nhà làm phim, Đức đăng ký khoa Media Studies của trường Macalester. Cậu cho rằng mặc dù ngành phim ở trường này không phải là thế mạnh, nhưng học ở đây cậu sẽ có nhiều cơ hội tham gia các chiến dịch cho Liên Hiệp Quốc khi ra trường. Hiện tại, Đức xin visa và chuẩn bị sức khỏe cho chuyến nhập học vào tháng 8 sắp tới.
Cô Phạm Thị Bích Hồng, chủ nhiệm lớp chuyên Nga, cho hay, Đức rất có khả năng sáng tạo và sức bật. Mặc dù lực học không thật sự xuất sắc như các bạn trong lớp, nhưng ở những thời điểm quan trọng, Đức vẫn có thể bật lên được. "Tôi không bất ngờ khi biết Đức giành học bổng. Với tính cách và sức bật như vậy, tôi nghĩ em ấy có thể làm được. Ngoài học tập, Đức là học sinh chăm chỉ, tham gia nhiệt tình các hoạt động, đặc biệt em ấy xoay rubic rất giỏi", cô Hồng nói.
Lớp chuyên Nga của Đức năm nay có 13 bạn trên tổng số 17 học sinh giành học bổng du học các nước.
Lê Đức Thuận
(Theo Vnexpress)