The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

CÔNG TÁC BIÊN GIỚI TRÊN ĐẤT LIỀN VIỆT NAM – CAMPUCHIA TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Post by: webams | 07/11/2018 | 8827 reads

I/ Khái quát biên giới Việt Nam - Campuchia

Biên giới Việt Nam-Campuchia là biên giới phân định chủ quyền quốc gia, trên đất liền và trên biển, giữa hai quốc gia láng giềng trên bán đảo Đông Dương thuộc khu vực Đông Nam Á là Việt Nam và Campuchia. Hiện tại, biên giới này được gọi là biên giới quốc gia giữa Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia dài khoảng 1270 km.

Biên giới này gồm hai phần: Phần đất liền là một đường biên trên bộ dài 1137 km, từ điểm cực bắc là cột mốc ngã ba biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia, đến điểm cực nam là điểm bờ biển vịnh Thái Lan ở Xà Xía, Hà Tiên tỉnh Kiên Giang Việt Nam. Phần trên biển, tuy chưa được phân định thành đường biên cụ thể giữa hai quốc gia, nhưng đã được hai bên Việt Nam và Campuchia định nghĩa bằng một vùng nước lịch sử chung của hai nước theo chế độ nội thủy, nằm trong vịnh Thái Lan. Về tương lai đường biên giới trên biển giữa hai nước phải nằm trong vùng nước lịch sử này.

Biên giới Việt Nam - Campuchia được hình thành từ thế kỷ XVII, cùng với quá trình Nam tiến mở rộng lãnh thổ của người Việt, mà chủ thể đầu tiên là cư dân và chính quyền chúa Nguyễn (xứ Đàng Trong) của Đại Việt, xuống tới đồng bằng châu thổ sông Mê Kông và sông Đồng Nai, tiếp xúc trực tiếp với quốc gia láng giềng là vương quốc Khmer (tức vương quốc Cao Miên) của người Khmer, vương quốc từng hình thành lớn mạnh (trong thế kỷ IX đến thế kỷ XV) trước Đại Việt. Điều kiện hình thành nên biên giới này gồm hai yếu tố: Đó là sự phát triển của Đại Việt như đế quốc ở khu vực Đông Nam Á (thôn tính Chiêm Thành trong nhiều thế kỷ, đặc biệt là giai đoạn các thế kỷ XV-XVII). Kết hợp với sự suy yếu của Đế quốc Khmer, trong nội trị (để hoang hóa lãnh thổ (vùng Thủy Chân Lạp), tranh chấp nội bộ), và bị ngoại xâm (thu hẹp lãnh thổ và can thiệp bởi các vương quốc Thái Lan cổ (Ayutthaya, Xiêm La)), từ thời điểm cực thịnh trước thế kỷ XV đến khi tiếp xúc với người Việt vào thế kỷ XVII, và tiếp về sau. Hai điều kiện này đảm bảo cho người Việt khai mở và xâm lấn, trong các thế kỷ XVII - XIX, một vùng đất mới ở phương nam vốn từng thuộc Đế quốc Khmer, vượt qua lãnh thổ Chiêm Thành.

Tuyến biên giới đất liền Việt Nam – Campuchia, chủ yếu chạy theo hướng bắc-nam và đông bắc-tây nam, đi qua biên 9 tỉnh của Campuchia (RatanakiriMondulkiri,KratiéTbong KhmumSvay RiengPrey VengKandalTakéo và Kampot), và 10 tỉnh của Việt Nam (Kon TumGia LaiĐắk LắkĐắc NôngBình PhướcTây NinhLong AnĐồng ThápAn Giang và Kiên Giang). Đường biên giới này có điểm bắt đầu là cột mốc ngã ba Việt Nam-Lào-Campuchia, trên ranh giới hai tỉnh Ratanakiri và Kon Tum.

Căn cứ Hiệp ước về nguyên tắc giải quyết vấn đề biên giới giữa hai nước ký ngày 20/7/1983, Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia Việt Nam - Campuchia ký ngày 27/12/1985 và Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia Việt Nam - Campuchia ký ngày 10/10/2005, đường biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia về cơ bản được xác định trên cơ sở tôn trọng thực tế lịch sử ở thời điểm hai nước dành được nền độc lập.

II/ Lịch sử hình thành đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam - Campuchia

Biên giới Việt Nam - Campuchia được hình thành gắn liền cùng với hàng loạt biến động của lịch sử hai nước. Quá trình hình thành xác lập đường biên giới Việt Nam - Campuchia kéo dài gần 300 năm, từ thế kỷ thứ 16 đến thế kỷ 18. Cuối thế kỷ 18, đường biên giới hai nước đã hình thành và tương đối ổn định, đến thời điểm trước khi Pháp xâm lược Đông Dương, các vương triều Phong kiến Việt Nam và  Campuchia đã cơ bản thống nhất phạm vi chủ quyền của mình nhưng đường biên giới lúc này chưa được phân vạch và vẽ trên bản đồ.        

Sau khi hoàn thành việc xâm lược Đông Dương, năm 1887, thực dân Pháp thành lập “Liên bang Đông Dương” đứng đầu là một Toàn quyền, gồm một xứ thuộc địa Nam Kỳ và bốn xứ bảo hộ (Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Cao Miên, Ai Lao). Về thực chất, cả Đông Dương lúc đó là thuộc địa Pháp, nhưng về hình thức thì Nam Kỳ là thuộc địa “Lãnh thổ hải ngoại” của nước Cộng hòa Pháp, có đại biểu ở Quốc hội Pháp; còn Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Cao Miên và Ai Lao chỉ là xứ bảo hộ.

Để quản lý hành chính và khai thác thuộc địa thuận lợi, Pháp đã tiến hành việc phân định các ranh giới giữa các xứ trong “Liên bang Đông Dương”. Riêng ranh giới giữa Nam Kỳ và Campuchia  được thực dân Pháp quan tâm hơn vì Nam Kỳ là thuộc địa, là “Lãnh thổ hải ngoại”  của Cộng hòa Pháp.

Biên giới Nam Kỳ - Campuchia: được hoạch định bằng các Công ước giữa Quốc vương Campuchia và Thống đốc Nam Kỳ, sau đó được điều chỉnh, xác định rõ thêm bằng các Nghị định của Toàn quyền Đông Dương, đường biên giới này đã được phân giới cắm mốc.

Biên giới Trung Kỳ - Campuchia: Có hai văn bản quy định ranh giới của các tỉnh Trung Kỳ với Campuchia (Nghị định ngày 06-12-1904 và ngày 04-7-1905 của Toàn quyền Đông Dương). Ranh giới giữa Trung Kỳ và Campuchia chưa được cắm mốc trên thực địa. Theo các tài liệu lịch sử, từ khi nước ta hoàn toàn thuộc quyền cai trị của thực dân Pháp thì chính quyền thuộc địa có chương trình khai thác vùng Tây Nguyên. Thoạt đầu là những cuộc thám hiểm, lập đồn binh ở những nơi hiểm yếu, vạch hướng những con đường sẽ làm băng qua các cao nguyên và nối vùng cao nguyên với các tỉnh ven biển. Lúc đó, về pháp lý, Tây Nguyên thuộc triều đình Huế. Đến năm 1899, Pháp buộc Vua Đồng Khánh phải giao cho họ quyền bảo hộ và từ thời điểm này Pháp bắt đầu sắp xếp bộ máy hành chính ở Tây Nguyên. Đến những thập niên đầu của thế kỷ XX, thông qua công cuộc khai thác Tây Nguyên của thực dân Pháp, các tỉnh Tây Nguyên là: Pleiku, Kon Tum, Đăk Lăk, Đồng Nai Thượng (Lâm Đồng) cùng thành phố Đà Lạt mới được thành lập.

Việt Nam - Campuchia là hai quốc gia có quan hệ từ lâu đời. Trước thế kỷ XIX, lịch sử hai nước có nhiều biến động. Biên giới thực tế giữa hai nước dần dần hình thành trong quá trình lịch sử trên cơ sở những quy tắc đương đại, hiện vẫn chưa tìm thấy các hiệp định ký kết giữa các vương triều phong kiến hai nước.

Biên giới giữa Việt Nam - Campuchia còn tồn đọng nhiều vấn đề phức tạp do lịch sử để lại. Trong giai đoạn từ năm 1954-1975, tranh chấp biên giới cả trên biển và trên đất liền thường xuyên diễn ra giữa chính quyền Sài Gòn và Campuchia. Các năm từ 1964-1967, khi Campuchia công bố nền trung lập, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hoà đã ra tuyên bố công nhận chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia trong đường biên giới hiện tại. Trong các năm 1964, 1966, 1975 và 1976, hai bên đã xúc tiến một số cuộc đàm phán, thương lượng về biên giới nhưng chưa đạt được thoả thuận.

Sau khi nhà nước Cộng hòa nhân dân Campuchia ra đời ngày 18/02/1979, Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa nhân dân Campuchia đã ký Hiệp ước hoà bình, hữu nghị và hợp tác giữa hai nước, tại Điều 4 hai bên đã thoả thuận “Tiến hành đàm phán để đi đến ký kết một Hiệp định biên giới giữa hai nước trên cơ sở đường biên giới hiện tại và kiên quyết sẽ cùng nhau xây dựng đường biên giới đó thành đường biên giới hoà bình, hữu nghị lâu dài”. Ngày 20/7/1983, hai bên ký Hiệp ước về nguyên tắc giải quyết vấn đề biên giới Việt Nam - Campuchia, trong đó đã thống nhất áp dụng hai nguyên tắc:

Một là, trên đất liền, hai bên coi đường biên giới hiện tại giữa hai nước được thể hiện trên bản đồ tỷ lệ 1/100.000 của Sở Địa dư Đông Dương thông dụng trước năm 1954 hoặc gần năm 1954 nhất (kèm theo 26 mảnh bản đồ đã được hai bên xác nhận) là đường biên giới quốc gia giữa hai nước.

Hai là, ở nơi nào đường biên giới chưa được vẽ trên bản đồ hoặc hai bên đều thấy chưa hợp lý thì hai bên sẽ cùng nhau bàn bạc, giải quyết trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau vì lợi ích của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Campuchia, phù hợp với luật pháp của hai nước và luật pháp quốc tế.

III/ Tuyến biên giới tỉnh Gia Lai (Việt Nam) và kết quả phân giới - cắm mốc trên tuyến biên giới tỉnh Gia Lai (Việt Nam) và Ratanakiri (Campuchia)

Tuyến biên giới tỉnh Gia Lai (Việt Nam) tiếp giáp với tỉnh Ratanakiri (Campuchia)

Đường biên giới đoạn chạy qua tỉnh Gia Lai (Việt Nam) có tổng chiều dài khoảng 90 km, trong đó có 19,6 km trên sông, suối và 70,4 km trên đất liền, trải dọc theo hướng từ phía Bắc vào phía Nam qua 03 huyện Ia Grai, Đức Cơ và Chư Prông, tiếp giáp đối diện phía ngoại biên với các huyện Đun Mia, O Za Dao tỉnh Ratanakiri (Campuchia).

Kết quả phân giới-cắm mốc trên tuyến biên giới tỉnh Gia Lai (Việt Nam) và tỉnh Ratanakiri (Campuchia)

Công tác phân giới cắm mốc giữa Việt Nam - Campuchia, trên tuyến biên giới tỉnh Gia Lai (Việt Nam), đến tháng 12/2015, đã xác định được 16 vị trí, tương ứng với 20 cột mốc (Từ cột mốc 25 đến cột mốc 40, gồm: 01 mốc ba - mốc 25; 02 mốc đôi - mốc 26, 27; 13 mốc đơn - từ mốc 28 đến 40). Trong đó có 01 mốc loại A, mốc 30 - mốc Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh - O Za Dao và 19 mốc loại B, nằm trên 04 mảnh bản đồ UTM (loại bản đồ thường dùng trong lĩnh vực quân sự quốc phòng). Đã xác định và chuyển vẽ 07/16 vị trí = 43,75%, tương ứng với  11/20 cột mốc = 55%. Đã cắm được 06 vị trí - 10/20 cột mốc = 50%. Xác định, hoàn chỉnh sơ đồ 07 vị trí mốc phụ và tiến hành xây dựng tạm thời bằng chất liệu bê tông cốt thép. Trên nguyên tắc dễ trước, khó sau, đồng thuận làm trước, bất đồng giải quyết sau, hai bên đã tiến hành phân giới được 20,495km/90km đường biên giới đạt 22,80% đoạn biên giới từ Mốc số 25 (một, hai, ba) đến mốc số 29, trong đó: Đường biên giới đất liền là 4,570km từ mốc số 27 (hai) đến mốc 29; đường biên giới trên sông là 15,925km từ mốc 25 (một, hai, ba) đến mốc 27 (một, hai).

Để đẩy nhanh tiến độ công tác phân giới-cắm mốc trên thực địa, thực hiện ý kiến chỉ đạo tại cuộc họp hẹp của Chủ tịch Ủy ban liên hiệp về phân giới-cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam – Campuchia, diễn ra từ ngày 18-20/11/2015 tại thủ đô Phnôm Pênh (Campuchia). Hai bên đồng ý khởi công xây dựng đồng thời các cột mốc số 30, tại cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh - O Za Dao thuộc tỉnh Gia Lai (Việt Nam) và tỉnh Ratanakiri (Campuchia), cột mốc 275 (cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, An Giang - Phơ Nôm Đân, Campuchia) và đoạn đường nối trạm Kiểm soát cửa khẩu Lệ Thanh với Trạm Kiểm soát cửa khẩu O Za Dao. Lễ khởi công xây dựng các cột mốc trên chính thức diễn ra vào ngày 20/11/2015 và theo kế hoạch đến hạ tuần tháng 12/2015, hai bên sẽ tổ chức khánh thành và đưa vào quản lý sử dụng cột mốc số 30 và đoạn đường nối hai Trạm kiểm soát Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (Việt Nam) và O Za Dao (Campuchia), cùng ngày với cột mốc 275 ở cửa khẩu Tịnh Biên, An Giang, theo nghi lễ cấp cao với sự tham dự của hai Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng/Việt Nam và Thủ tướng Hun Sen/Campuchia.

Việc Chính phủ hai nước tiến hành khởi công xây dựng cột số 30 tại cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh - O Za Dao thuộc tỉnh Gia Lai (Việt Nam) và tỉnh Ratanakiri (Campuchia) là một sự kiện quan trọng thể hiện quyết tâm chính trị cao của Chính phủ hai nước, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, phục vụ thiết thực cho sự nghiệp phát triển chung giữa 2 quốc gia và phù hợp với thực tiễn và luật pháp quốc tế. Là bước tiếp tục cụ thể hóa: Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Campuchia (nay là Vương quốc Campuchia), Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 ký năm 2005 giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Campuchia và thực hiện Điều 1 “Bản ghi nhớ về việc điều chỉnh đường biên giới trên bộ đối với một số khu vực tồn đọng giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia” ngày 23/4/2011.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tiến độ phân giới cắm mốc trên tuyến biên giới ở tỉnh triển khai còn chậm. Đến nay mới cắm được 06 vị trí - 10/20 cột mốc = 50 %; phân giới 20,495 km = 22,27 %. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ Ủy ban liên hợp chưa thống nhất bổ sung nguyên tắc giải quyết các phát sinh trong phân giới trên sông, suối; chưa thống nhất giải quyết các điểm còn tồn đọng, nhất là việc xác định các vị trí từ mốc 31 đến mốc 39, chưa phân giới đoạn biên giới dài khoảng 69,5km trên thực địa; chưa xử lý giải quyết điểm hợp lưu khu vực ngã 3 sông Sê San với sông Sa Thầy gần mốc 25 (1,2,3) tiếp giáp với tỉnh Kon Tum và khoảng 03km đoạn biên giới phía trên thượng nguồn gần mốc 26 (1,2). Cùng với nguyên nhân trên, tình hình an ninh chính trị Campuchia ngày càng diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch tăng cường các hoạt động chống phá, cản trở quyết liệt kế hoạch phân giới cắm mốc giữa Việt Nam - Campuchia.

Công tác phân giới-cắm mốc nói chung, việc tiến hành khởi công xây dựng và khánh thành cột mốc số 30 trên thực địa có ý nghĩa hết sức quan trọng

Thứ nhất, công tác phân giới, cắm mốc biên giới là một quá trình không thể thiếu được trong cả quá trình xác lập đường biên giới giữa hai nước. Việc tiến hành phân giới-cắm mốc trên thực địa sẽ giúp hai bên có đầy đủ cơ sở để nhận biết đường biên giới ở đâu, phạm vi lãnh thổ của mỗi quốc gia đến đâu để thực hiện công tác quản lý bảo vệ. Đây sẽ là cơ sở pháp lý để các ngành chức năng hai nước tiến hành quản lý biên giới được thuận lợi; nhân dân sống ở khu vực biên giới giữa hai nước sẽ dễ dàng nhận biết được đường biên giới, cùng nhau bảo vệ đường biên, mốc giới, tránh xảy ra hiện tượng xâm canh, xâm cư do thiếu hiểu biết về đường biên, mốc giới.

Thứ hai, việc hoàn thành phân giới, cắm mốc sẽ góp phần xây dựng đường biên giới hoàn chỉnh và bền vững. Cột mốc số 30 và đoạn đường nối Trạm kiểm soát cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh với Trạm kiểm soát cửa khẩu O Za Dao hoàn thành đưa vào sử dụng đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong công tác phân giới, cắm mốc biên giới đất liền, tạo tiền đề vững chắc để xây dựng biên giới Việt Nam - Campuchia hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác; tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý biên giới sau này. Điều này có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghịệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của hai nước Việt Nam - Campuchia.

Thứ ba, đây là biểu hiện sinh động của mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia với phương châm: “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị, truyền thống, hợp tác toàn diện”, tăng cường sự tin cậy giữa hai bên, là cơ hội mới để giao lưu hữu nghị, tăng cường hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là các địa phương hai bên biên giới; góp phần tích cực bảo đảm hòa bình, ổn định, hợp tác trong khu vực và trên thế giới.

Thứ tư, góp phần đập tan âm mưu, ý đồ của các thế lực thù địch nhằm chống phá sự ổn định của hai nước, phá hoại mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, truyền thống gắn bó keo sơn của hai nhà nước và nhân dân.

IV/ Những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới

Xuất phát từ những khó khăn trong công tác phân giới, cắm mốc thời gian qua và yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới, các cơ quan trong Ban Chỉ đạo phân giới, cắm mốc biên giới của tỉnh, các địa phương tuyến biên giới, đơn vị lực lượng biên phòng tiếp tục phối hợp chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt công tác ngoại giao, đàm phán, tuyên truyền phân giới cắm mốc biên giới, tiếp tục thực hiện chủ trương nhất quán, đối sách đúng đắn theo quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, phù hợp với luật pháp quốc tế, trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền toàn vẹn, lãnh thổ của hai nước.

Chấp hành nghiêm các Hiệp ước, Hiệp định, thông cáo báo chí, các thỏa thuận cấp cao giữa chính phủ hai nước đã ký kết. Giữ vững quan điểm, lập trường trước sau như một ủng hộ Đảng nhân dân cách mạng Campuchia. Thường xuyên gặp gỡ đối thoại; trao đổi, thúc đẩy xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Chủ động nắm chắc, dự báo kịp thời diễn biến tình hình, triển khai các biện pháp phòng ngừa ngăn chặn không để vụ việc xảy ra trên biên giới bất lợi đến tiến trình phân giới cắm mốc. Tuyệt đối không bị mắc mưu khiêu khích, xúi giục của các thế lực thù địch chống phá mối quan hệ hữu hảo giữa hai quốc gia dân tộc Việt Nam và Campuchia. Trường hợp đặc biệt khi có vụ việc xảy ra ngoài ý muốn, hai bên sẽ cùng chủ động, kịp thời trao đổi thông tin qua đường dây nóng, qua ngoại giao đàm phán, hội đàm, cùng nhau phối hợp giải quyết nhanh, gọn, dứt điểm, không để tạo thành điểm nóng, lan rộng kéo dài, theo phương châm biến đại sự thành tiểu sự, biến tiểu sự thành cái không có gì, nhằm giữ ổn định tình hình an ninh biên giới.

Duy trì hoạt động công tác đối ngoại Biên phòng, ngoại giao nhân dân. Định kỳ tổ chức gặp gỡ, trao đổi nhằm tăng cường tình đoàn kết hữu nghị với Bạn, giúp Bạn đúng nguyên tắc, đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Duy trì mối quan hệ đoàn kết chặt chẽ, chế độ hội họp với lực lượng biên giới Campuchia, chủ động trao đổi tình hình, bàn bạc thống nhất, phối hợp trong tuần tra quản lý, bảo vệ biên giới, kịp thời xử lý, giải quyết các vụ việc xảy ra đúng chủ trương, đối sách ngay từ cơ sở, không để tình hình phức tạp.

Quan tâm thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục các lực lượng bảo vệ biên giới, nhân dân đang làm ăn sinh sống, cư ngụ hai bên biên giới chấp hành nghiêm pháp luật, các Hiệp ước, Hiệp định, biên bản, thông cáo báo chí hai nhà nước đã ký kết. Thực hiện tốt các mô hình kết nghĩa Cụm dân cư 2 bên biên giới nhằm giữ gìn, bảo vệ, củng cố, phát triển mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Campuchia. Tổ chức xây dựng nhà Đoàn kết - Hữu nghị, giúp đỡ vật chất, tinh thần, cấp phát thuốc, khám chữa bệnh cho cán bộ và nhân dân Campuchia ở khu vực biên giới đối diện nhằm tranh thủ sự ủng hộ của cán bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân của bạn, góp phần phòng ngừa, giảm thiểu các vụ việc liên quan đến phá hoại tiến trình phân giới cắm mốc và làm tốt công tác tuyên truyền đối ngoại, ngoại giao nhân dân. Từ đó, làm cho quần chúng nhân dân thấy rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phân giới cắm mốc. Phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ tự quản đường biên, cột mốc, tự giác giữ gìn trật tự an ninh biên giới nơi phên giậu của Tổ quốc, góp phần bảo vệ giữ vững và đảm bảo toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Quốc gia dân tộc. 

 

Đảng ủy