The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

"Tinh Hoa Bắc Bộ - The Quintessence of Tonkin"- Chương trình để lại dấu ấn sâu sắc

Post by: webams | 11/05/2018 | 1999 reads

Ngày 10/5/2018, Ban giám hiệu, Công Đoàn Nhà trường đã tổ chức cho Cán bộ Giáo viên, Nhân viên của trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam về khu Tổ hợp vui chơi và văn hóa Baara Land để chiêm ngưỡng và thưởng thức sân khấu thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ”- một chương trình giải trí lộng lẫy và công phu bậc nhất tại Việt Nam –sản phẩm du lịch văn hóa mới nhất từ Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ du lịch Tuần Châu, một thành viên của Tập đoàn Tuần Châu.

Cách trung tâm Hà Nội 23 km, đi theo Đại lộ Thăng Long, xe đưa cả đoàn tới Baara Land, tổ hợp vui chơi và văn hóa nằm ngay dưới chân núi Chùa Thầy – một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam và là một trong những điểm du lịch tâm linh thuộc xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Ấn tượng đầu tiên của cả đoàn là đường vào với những quán cóc mang đậm vẻ đẹp truyền thống của chợ quê Bắc Bộ xưa và dãy đèn lồng tạo ánh sáng đỏ trầm mặc, yên bình.

Đặc biệt, khu quần thể này có sân khấu mặt nước rộng 4300 m2, tựa lưng vào núi Thầy - nơi có chùa Thầy nổi tiếng. Ở dưới lòng sân khấu tự nhiên này còn có cả một dàn kỹ thuật lớn đủ để nâng lên hạ xuống mặt nước một thuỷ đình cho rối nước.

19h40, chương trình bắt đầu diễn ra. Vở diễn lấy cảm hứng từ câu chuyện về vị thiền sư Từ Đạo Hạnh khi tu hành tại Chùa Thầy - một trong những ngôi chùa cổ kính nhất Việt Nam. Trong vòng 55 phút của vở diễn, người xem vô cùng ấn tượng bởi dàn diễn viên với hơn 250 người trình diễn, bao gồm 120 diễn viên nghiệp dư tại địa phương và 80 diễn viên chuyên nghiệp, họ mang cả hơi thở của đời sống bình dị vùng Bắc Bộ qua 6 phần (Thi ca, Cõi phật, Hoài cổ, Nhạc họa, An vui và Ngày hội).

 

THI CA

"Lấy cảm hứng từ những vần thơ trong bài thơ "Thu Điếu" của Nguyễn Khuyến, bài dân ca "Tát nước đầu đình" và lời ru con Bắc Bộ, phân cảnh đầu tiên mở ra một không gian của làng quê Việt rất nhẹ nhàng và gần gũi. Hình ảnh các cô thiếu nữ bên ao sen, những anh trai tráng chòng ghẹo và màn đối đáp trai gái của tuổi trẻ khiến phần mở đầu thêm sôi nổi và đặc sắc. Cuộc sống của dân làng cũng gắn liền với những buổi cùng nhau lao động rộn rã, được thể hiện qua hình ảnh các ngư dân hừng hực khí thế trên sông. Lời ru con Bắc Bộ là một nét đẹp không thể thiếu trong văn hóa dân gian và được khai thác qua hình ảnh người mẹ tần tảo cùng tiếng ru trong trẻo bên nôi. Đây cũng là cảnh khép lại phần 1 của vở diễn.

CÕI PHẬT

Phân cảnh tập trung nói về vị thiền sư Từ Đạo Hạnh – người đã sáng lập ra Chùa Thầy. Dân gian gọi ông là “Thầy” bởi có truyền thuyết kể lại rằng trước khi tu hành ông từng là một thầy lang, chuyên chữa bệnh cho những người dân nghèo khổ mà không lấy tiền. Ông còn dạy nhân dân cách trồng trọt và các trò chơi dân gian, điển hình là múa rối nước – nay đã trở thành một loại hình nghệ thuật đậm bản sắc văn hoá Việt. Phân cảnh với sự xuất hiện huyền ảo của vị thiền sư đáng kính giữa một vườn hoa sen lung linh sẽ để lại ấn tượng khó phai đối với người xem. Kết cảnh là hình ảnh đàn chuồn chuồn múa lượn nhưng được thể hiện bằng hiệu ứng đèn led và lazer hoà cùng tiếng nhạc được làm mới dựa trên bài dân ca Quan họ “Se chỉ luồn kim” mượt mà.

 

HOÀI CỔ

Phân cảnh gợi nhớ hình ảnh hoàng thành Thăng Long xưa. Với cảnh mở đầu là hình ảnh các sĩ tử khăn gói lều chõng đi thi. Một phần quang cảnh trường thi xưa của Việt Nam được tái hiện lại trên sân khấu mặt nước rông hơn 4300m2. Truyền thống hiếu học, văn ôn võ luyện được thể hiện dưới nền nhạc hào hùng cùng sự kết hợp của ánh sáng hiện đại. Đây là phân cảnh giúp cho người xem hiểu thêm về lịch sử, những truyền thống đáng tự hào của dân tộc Việt.

 

NHẠC HỌA

Lấy cảm hứng từ bài thơ Tranh Tố Nữ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, trên nền mặt hồ tối, 4 bức tứ bình tố nữ xuất hiện mờ ảo. Phân cảnh này sử dụng hiệu ứng 3D Mapping để tạo nên hình ảnh chân thực nhất trên mặt hồ cũng chính là sân khấu của vở diễn. 4 cô gái thể hiện các loại nhạc cụ khác nhau trong âm nhạc truyền thống Việt Nam bao gồm: Sáo, đàn tỳ bà, đàn nhị và đàn nguyệt. Đây là phân cảnh đẹp nhất khi đàn tiên nữ ùa vào sân khấu và thể hiện những điệu múa uyển chuyển trên mặt nước, cùng với đó khắc hoạ những tinh tuý của làng nghề tranh dân gian Bắc Bộ.

AN VUI

Tín ngưỡng là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến niềm tin và những hoạt động trong đời sống người dân. Và tín ngưỡng thờ Thánh mẫu đệ Tam và tín ngưỡng Đạo Mẫu – vị thánh cai quản các vùng nước non giúp cho nền nông nghiệp và đời sống nhân dân gặp nhiều thuận lợi. Đồng thời tái hiện lại cảnh ra đồng của người nông dân Việt. Gắn liền với nền văn mình lúa nước chính là hình ảnh những người nông dân cùng nhau ra đồng. Đôi tay thoăn thoắt gặt hái một mùa vụ bội thu. Tất cả sẽ được tái hiện đầy đủ từ âm thanh đến hình ảnh trên sân khấu của Tinh Hoa Bắc Bộ. Phân cảnh là sự lột tả chân thực nhất cuộc sống của những người nông dân chân lấm tay bùn mà chúng ta vẫn thường được gặp trong các bài ca dao của cha ông xưa kia

NGÀY HỘI

Sau cuộc sống lao động thường ngày và tín ngưỡng đã được tái hiện đầy chân thực nhưng cũng rất sáng tạo ở 5 phần trước, đến phần 6 này, toàn bộ những hoạt động lễ hội và trò chơi dân gian sẽ được mang đến cho khán giả. Từ những làn điện Quan họ đối đáp nam nữ, các trò chơi dân gian mà thời nay hiếm mới thấy đến tụ rước kiệu Song Loan, Song Đình đều được mang lên sân khấu THBB một cách sống động. Có lẽ phân cảnh ấn tượng và xúc động nhất vở diễn là lúc toàn bộ diễn viên cùng hướng về ngọn núi Chùa Thầy – được thắp sáng sau hình ảnh bông sen nở giữa không trung tượng trưng cho Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Bài hát “Người ơi người ở đừng về” cất lên vào cuối vở diễn vừa là lời chào, vừa là tình cảm mà toàn bộ dàn diễn viên cũng chính là những người dân nơi đây muốn gửi tới các vị khách.

Theo http://www.tinhhoabacbo.com/the-story

 

Dòng chảy của văn hóa, lịch sử liên tục được tái hiện qua âm điệu quen thuộc (điệu chèo, hát chầu văn, hát quan họ, hay cả tiếng rao của những phiên chợ quê)…, qua hình ảnh cụ thể (những tòa sen nở trên mặt hồ, những cánh chuồn bay rập rờn, những bó lúa vàng ươm, những chiếc xe kéo, đòn gánh mộc mạc), Hình ảnh những thiếu nữ mặc áo yếm, váy đụp xinh đẹp, căng tràn sức sống, những trai làng khỏe mạnh, tinh nghịch, những người dân chài gân guốc, những bà, những chị nông dân chân chất lần lượt xuất hiện như những kí ức đẹp. Giá đồng Mẫu Thoải cũng được đưa vào chương trình, tạo cơ hội để giới thiệu di sản tín ngưỡng thờ Mẫu. Những hình ảnh về sĩ tử đi thi, Hoàng thành Thăng Long xưa ẩn chứa sự trân trọng, ngợi ca truyền thống hiếu học và nhân tài, trí tuệ đất Việt.

 

 Giá đồng Mẫu Thoải được tái hiện

Cô Đặng Kim Ngân say sưa với màn diễn tố nữ bước ra từ tranh dân gian Đông Hồ, rồi lại trở vào trong đó như một câu chuyện liêu trai, cô chia sẻ: “Lâu lắm rồi mới được xem một chương trình hay, nhẹ nhàng, mãn nhãn trong một không gian thoáng đãng với gió mát, cây xanh... ai chưa xem thì nên một lần đến thưởng thức chương trình biểu diễn nghệ thuật thực cảnh “tinh hoa Bắc bộ” nhé!

Lấy cảm hứng từ bài thơ Tranh Tố Nữ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, trên nền mặt hồ tối, 4 bức tứ bình tố nữ xuất hiện mờ ảo (Nguồn ảnh: Internet)

Cô giáo Hoài Thanh có những nhận xét khá tinh tế“Một chương trình đúng nghĩa của chữ ĐẸP!...Có rất nhiều phân cảnh hoành tráng, ma mị và sống động …”. Dưới đây là một số hình ảnh ấn tượng của chương trình:


Cô giáo Hà Thủy cũng đã chia sẻ những cảm xúc của mình sau khi xem chương trình: “Cách chúng ta mấy chục, vài trăm năm, có một làng Việt Bắc Bộ thanh bình và yên ả. Thời đó, người ta sống bình lặng không vội vã, sĩ tử lều chõng đi thi, nông dân đơm đó, cấy gặt, trai gái hát giao duyên đối đáp ân tình... Thời đó, người ta sống chân thành với niềm tin Đức Phật cứu khổ cứu nạn độ trì, Thánh Mẫu che chở cho mưa thuận gió hoà... Và cũng thời đó, người ta sống với nhau ôn nhu, hoà hảo, đất chẳng kêu khóc vì chất thải độc hại, rừng chẳng rỉ máu thở than không ai đáp lời, biển chẳng ngừng ru sóng đêm đêm bởi những ống xả nhà máy đường kính hàng chục mét, những chiếc túi ni lông lềnh bềnh tới tận Bắc Băng Dương... Không có cỗ máy thời gian để quay ngược hành trình, nhưng cạnh thủ đô bụi bặm ồn ã, bên những cánh đồng bát ngát, những ngọn núi xanh rì cỏ cây, có một làng quê Bắc Bộ thu nhỏ bằng bàn tay nhân tạo của con người. Tuy rằng ta chẳng sống lại một thời cha ông hay kể bằng những trải nghiệm đời tư của chính mình nhưng lại được hình dung về nó qua 60 phút quý báu đầy công phu của chương trình “Tinh hoa Bắc Bộ”. Sân khấu không “chết” phút nào, diễn viên nhập tâm có hồn, lần lượt từng nét đẹp của một thời xa vắng hiện lên qua mỗi phút. Khán giả hết “ồ,à...” lại gieo những tràng pháo tay ươm mầm hi vọng những nét đẹp ấy sẽ được bảo lưu mãi. Trải nghiệm đáng quý đối với một người trẻ như mình để thêm yêu văn hoá truyền thống dân tộc, thêm trân trọng bàn tay tài hoa khéo léo của con người.”

 Được biết, khi xây dựng chương trình, Đạo diễn Hoàng Nhật Nam muốn chọn những điểm nhấn truyền tải tinh túy nhất của đời sống văn hoá, tinh thần khu vực Bắc Bộ, “không mong nó sẽ chuyển tải đầy đủ mọi thứ về mặt văn hóa, chính trị, xã hội” nhưng khán giả xem chương trình đều vô cùng xúc động, trầm trồ. Khi ánh đèn sân khấu chợt tắt, những kí ức về miền quê Bắc Bộ yên bình và giàu truyền thống văn hóa, những kí ức nguyên sơ về tuổi thơ của mỗi người lại hiện về. Nó làm tâm hồn ta thêm đẹp, thêm những giây phút “sống chậm” để cảm nhận nhịp sống.

PV: Phạm Hà My

Nguồn ảnh: Internet