The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

ĐH Bách Khoa Hà Nội giữ nguyên phương thức tuyển sinh, tăng tổng chỉ tiêu

Post by: webams | 27/03/2022 | 1146 reads

Cũng tại chương trình Tư vấn tuyển sinh & Hướng nghiệp “Chọn chuẩn trường – đi chuẩn đường”, đại diện Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng chia sẻ thêm nhiều thông tin thú vị.

Phương thức tuyển giữ nguyên, tăng tổng chỉ tiêu

Có mặt ở buổi tư vấn do Cổng Tư vấn Tuyển sinh và Hướng nghiệp của HOCMAI tổ chức miễn phí cho học sinh THPT, PGS Vũ Duy Hải, Phó Trưởng phòng Tuyển sinh ĐH Bách Khoa Hà Nội (BK HN) cho biết phương thức tuyển sinh năm nay về cơ bản vẫn giữ nguyên theo cách tuyển sinh của năm 2021. Theo đó, trường vẫn giữ nguyên 2 phương thức tuyển chính là xét tuyển tài năng, năng lực và xét tuyển qua điểm thi. Trong đó, ở phần xét tuyển tài năng thì ngoài xét tuyển cho thí sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, BK HN còn xét tuyển các thí sinh có chứng chỉ quốc tế: SAT – Scholastic Assessment Test; ACT – American College Testing; IB – International Baccalaureate; A-Level – Cambridge International Examinations A-Level; ATAR – Australian Tertiary Admission Rank. Ngoài ra, số lượng chỉ tiêu dành cho xét tuyển tài năng cũng được nâng lên 20% tổng chỉ tiêu so với 15% như năm ngoái.

Tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm nay của BK HN là 7.790 sinh viên, tăng gần 500 chỉ tiêu so với năm ngoái. Chương trình đào tạo và các nhóm ngành của trường không có nhiều thay đổi so với năm ngoái, một ngành mới dự kiến sẽ thu hút nhiều thí sinh là ngành Kỹ thuật Y sinh. Đây là ngành xuất phát từ nhu cầu mới của xã hội, sau biến cố đại dịch COVID-19. Các nhà nghiên cứu y sinh cho thấy sự quan trọng của mình trong đời sống hiện đại. Các nghiên cứu, bổ sung, trợ giúp y tế của nhân lực ngành đòi hỏi việc đào tạo bài bản để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của xã hội.

Yêu thích ngành nào thì đó là ngành “hot”

Một trong những băn khoăn lớn nhất của cả thí sinh lẫn phụ huynh, mỗi kỳ tuyển sinh đại học là ngành nào đang “hot” nhất, ngành nào sẽ dễ kiếm việc làm khi học xong. Giải đáp điều ấy, cô Phạm Thị Hằng, cán bộ phòng tuyển sinh BK HN nói “Bách khoa Hà Nội đào tạo nhiều ngành, bám sát thực tế, ngành hot là CNTT, tự động hóa, Kỹ thuật ô tô, kinh tế, logistics cung ứng. Nhu cầu ra trường có việc làm tốt khiến nhiều phụ huynh và thí sinh quan tâm ngành hot nhưng thực ra, điều quan trọng nhất phải dựa trên năng lực và sự yêu thích của thí sinh. Một công việc hay ngành học không yêu thích có thể khiến các năm học và thời gian làm việc bị phí hoài”.

Lý giải thêm ý kiến này, PGS Vũ Duy Hải cho biết trường đã nghiên cứu kỹ về nhu cầu việc làm, nguồn lao động để mở thêm ngành. Tất cả các ngành đang đào tạo đều có sức nóng về nhu cầu lao động qua quá trình sau điều tra khảo sát, nghiên cứu, thăm dò ý kiến doanh nghiệp, định lượng rõ ràng về nhu cầu việc làm, không có bất cứ ngành học nào mà thị trường lao động ở thời gian tương lai gần không cần mà được mở. Thầy Hải cho biết thêm có đến 98,6% sinh viên Bách Khoa HN có việc sau 6 tháng ra trường.

Bạn Lê Ngọc Hải, sinh viên năm cuối Khoa Kỹ thuật điều khiển-tự động hóa, BK Hà Nội có mặt trong chương trình cho biết khi chọn ngành thì gia đình có gợi ý qua một ngành khác, nhưng Hải kiên quyết theo ngành này. Nếu được chọn lại, vẫn chọn lại ngành này, vì nhìn suốt 5 năm học đã học được nhiều, từ kiến thức, kỹ năng mềm, quan hệ, vẫn duy trì sự yêu thích với ngành học.

Thầy Hải đúc kết “Vì nhu cầu thị trường lao động luôn có, nên các ưu tiên khi chọn ngành đầu tiên là sở thích, phải trả lời được việc mình muốn làm gì, trở thành gì. Sau đó, nên xét đến năng lực để chọn ngành phù hợp hoặc thay đổi bản thân, như các ngành học đòi hỏi sự tỉ mỉ, nghiêm cẩn, kiên nhẫn như Tự động hóa, nếu không có các đức tính đó thì cần rèn luyện hoặc tìm các ngành khác phù hợp hơn. Cuối cùng là nên tìm hiểu kỹ về tài chính, mức học phí, các yêu cầu tài chính có thể có trong 4-5 năm học để xem xét điều kiện bản thân và gia đình có thể đủ khả năng tài chính để duy trì hay không. Với niềm đam mê, các điều kiện như năng lực hay tài chính có thể được khắc phục, vì thế đó phải là ưu tiên lựa chọn hàng đầu.

Hát hay là một lợi thế

Ngoài đào tạo, Bách Khoa HN còn có nhiều hoạt động ngoại khóa, kỹ năng mềm để các bạn có thể kết nối doanh nghiệp, xã hội, làm bệ phóng cho các sinh viên có thể bay cao. Điều đó có thể cho thấy các kỹ năng mềm, khả năng tham gia các hoạt động lợi ích xã hội, ý muốn cống hiến cho cộng đồng luôn được đánh giá cao ở các tân sinh viên.

Khi một thí sinh hỏi hồ sơ để xét tuyển năng lực, ngoài các giải thưởng học tập cấp tỉnh thì còn có thể bao gồm gì để tăng tỉ lệ đậu, thầy Hải đã chia sẻ “đến giải thưởng thi âm nhạc cũng có thể góp phần nâng điểm năng lực cho việc đậu”. Ở phần xét tuyển tài năng, thí sinh có điểm trung bình các môn 3 năm học đều trên 8.0, có thể tập hợp hồ sơ bao gồm cả việc đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, các chứng nhận giải thưởng âm nhạc, thể thao, các chứng nhận đã tham gia vào các hoạt động thiện nguyện, xã hội… “Các thành tích sẽ được tính điểm, nhưng các thành tích được tính điểm theo cách khác nhau, thấp nhất là các đơn vị. Ở mức 100 điểm là cao nhất, các thí sinh có điểm cao sẽ có lợi thế hơn khi bước vào cuộc phỏng vấn tuyển chọn”, thầy Hải cho biết.

Các thí sinh xuất sắc, nhiều thành tích có thể tham gia cả 3 phương thức xét tuyển thẳng qua tài năng, năng lực, với nhiều lựa chọn về các nguyện vọng học.

Thầy Hải cũng lưu ý thêm, dù có thể đăng ký nhiều nguyện vọng, nhưng việc xét tuyển đại học sẽ phụ thuộc vào nguyện vọng đăng ký trên trang của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bộ sẽ tiến hành lọc ảo, để tránh thí sinh đăng ký quá nhiều nguyện vọng, khiến việc xét tuyển khó khăn, thế nên nguyện vọng mong muốn nhất phải là nguyện vọng 1 được đăng ký trên trang này. Sau kỳ thi tốt nghiệp, thí sinh sẽ có 6 tuần để đưa ra đáp án cuối cùng về nguyện vọng ngành học của mình.


Theo VTV.vn

Most Popular