Cô bạn trường Ams xinh như hot girl, nhận học bổng du học từ 8 trường ĐH trên thế giới
Nguyễn Phương Dung - cô bạn 19 tuổi xinh xắn, đáng yêu, đam mê nghệ thuật đã được 8 trường ĐH trên thế giới cấp học bổng du học với tổng kinh phí lên đến hơn 15 tỷ đồng.
Mỗi mùa apply học bổng du học hàng năm lại có rất nhiều câu chuyện được mọi người quan tâm. Không đơn giản chỉ vì giới trẻ ngày nay quá giỏi, có thể chinh phục được những trường đại học hàng đầu thế giới mà cái khiến người ta chú ý nhiều nhất chính là câu chuyện mà họ mang lại, mỗi người truyền cảm hứng theo những cách khác nhau.
Câu chuyện hôm nay sẽ về một cô gái 19 tuổi xinh xắn, đáng yêu, đam mê nghệ thuật, có khả năng chơi violin, được 8 trường ĐH trên thế giới cấp học bổng du học - Nguyễn Phương Dung. Điều thú vị mà tôi khai thác được khi nói chuyện với cô bé này là Dung được nhiều trường ĐH danh tiếng ở Mỹ đồng ý cấp học bổng du học ngay chỉ với bảng điểm, bài luận và làm 2 bài test nghệ thuật mà chưa hề nộp Portfolio.
8 ngôi trường cấp học bổng cho Dung bao gồm: Illinois Wesleyan University, College of Saint Benedict, Macalester College, Dickinson College ở Mỹ, trường American University in Bulgaria ở Bulgaria và trường Erasmus University Rotterdam ở Hà Lan với tổng kinh phí lên đến hơn 15 tỷ đồng.
Phương Dung đã quyết định chọn và theo học ngành truyền thông tại trường Youngstown State University tại Mỹ với suất học bổng toàn phần cho toàn bộ khóa học.
-
Học bổng toàn phần Đại học Youngstown State University, Hoa Kỳ
-
TOELF iBt: 112/120, ACT: 32/36 (11/12 Viết, 36/36 Toán)
-
Lọt vào danh sách học sinh danh dự của trưởng khoa (Dean’s List) kỳ học mùa thu 2017
-
Chủ tịch hội học sinh Việt Nam tại Youngstown State University
-
Thành viên hội đồng University Engagement của YSU
-
Hoạt động ngoại khóa
-
Phó chủ tịch CLB nghệ thuật Glee Ams (trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam)
-
Diễn viên chính chương trình nhạc kịch English Performance 2016: Grease the musical tổ chức bởi lớp Anh 2 trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam
-
Biên kịch chương trình nhạc kịch G’lams 2016: Anh là ai?
-
Model CLB thời trang Lamode (trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam)
-
Khách mời biểu diễn violin tại chương trình Khởi Nghiệp cùng Kawai 2017 của Đại học Ngoại Thương Hà Nội
Bất ngờ được cấp học bổng du học sau khi gần như đã bỏ cuộc vì bị rất nhiều trường từ chối
Chào Dung, quá trình apply vào trường Youngstown State University của bạn như thế nào?
Cũng như các bạn khác, mình chuẩn bị các bài thi chuẩn hóa TOEFL và ACT, viết bài luận, xin thư giới thiệu từ ba thầy cô, chuẩn bị hồ sơ tài chính và soạn ra những hoạt động, giải thưởng mình đã tham gia từ lớp 9 đến lúc apply. Trường mình không yêu cầu bài luận chính, nhưng vì mình đã tốn không ít sức lực và suy nghĩ vào bài luận đó, mình vẫn nộp để gây ấn tượng hơn với trường.
Ắt hẳn bạn đã phải suy nghĩ và đắn đo rất nhiều khi chọn trường Youngstown State University giữa 8 ngôi trường khác cũng danh giá không kém để theo học?
Mình biết đến YSU một cách rất tình cờ. Sau khi bị từ chối rất nhiều lần từ các trường đại học danh tiếng của Mỹ và dần hết hy vọng vào việc apply, mình tình cờ được gặp gỡ và trò chuyện trực tiếp với thầy Hiệu Phó phụ trách tuyển sinh quốc tế của trường YSU trong một sự kiện. Mình đã được nghe thầy chia sẻ về cơ hội về ngành học, thực tập và học bổng của mình nếu apply thành công nên mình đã chọn ngôi trường này.
Như vậy quá trình apply của bạn chắc chắn rất áp lực vì phải chạy nước rút?
Quá trình apply đối với mình khá áp lực và mệt mỏi vì nhiều yếu tố, từ việc chuẩn bị hồ sơ, bài luận muộn hơn so với các bạn cùng khóa đến vấn đề tài chính và việc chọn ngành học. Có lẽ vì vậy nên mình đón nhận rất nhiều lời từ chối từ các trường mình apply, nhiều đến mức mình đã xác định tinh thần việc apply đã thất bại và phải chú tâm vào ôn thi đại học Việt Nam.
Tuy nhiên, vài ngày sau đó, một cách rất bất ngờ, YSU đã trao cho mình học bổng toàn phần danh giá nhất của trường, Cochran Scholarship, bao gồm tiền học trong 4 năm và tiền ăn, ở trong 2 năm đầu tiên. Đó có lẽ là điều đáng nhớ và may mắn nhất của mình trong quá trình apply, mà như mọi người vẫn thường bảo mình "ghi bàn ở phút 89".
Bạn đánh giá ra sao về độ khó của học bổng này?
YSU không yêu cầu bài luận chính 650 từ như hầu hết các trường đại học Mỹ khác mà thay vào đó là một bài luận ngắn 250 từ về lý do, mục đích và đóng góp của mình cho Honors College của trường. Bài luận tuy ngắn nhưng mình phải làm bật được ở bản thân mình những điều ở một ứng viên mà nhà tuyển sinh đang tìm kiếm.
Ngoài Youngstown, bạn còn đỗ Savannah College of Arts and Design, một trong các trường đào tạo nghệ thuật danh tiếng nhất Mỹ dù chưa nộp Portfolio, chỉ có bảng điểm, bài luận và làm 2 bài test nghệ thuật?
Ngoài Youngstown State, mình có tham gia phỏng vấn với hai đại diện tuyển sinh của trường SCAD (Savannah College of Arts and Design) và nhận được đồng ý cấp học bổng cho 4 năm học. Lúc đó mình chỉ đến phỏng vấn thử sức thôi, vì trường yêu cầu phải cung cấp được một mức tài chính khá cao so với khả năng của gia đình mình cho các thiết bị hiện đại, các phòng thu, studio và các cơ hội rất đặc biệt khác cho sinh viên của trường.
Dung chia sẻ thêm về những sở thích của mình nhé!
Mình thích chụp ảnh, xem phim, xem các video TED talks, nghe người khác nói về những điều mình không biết và học chơi nhạc cụ. Về violin, mình học violin từ lớp 3 cho tới lớp 11 thì phải tạm dừng do phải tập trung vào apply. Mình hay táy máy các nhạc cụ từ nhỏ nên khi được đi học violin mình rất thích. Hồi nhỏ còn khá chăm chỉ tập tành nên mình tiến bộ nhanh lắm, lớn lên đỡ nhiều rồi, thời gian rảnh cũng hạn chế hơn nên mình không còn tập violin nhiều nữa.
Mình thích nghe nhạc, xem phim, chơi đàn từ nhỏ nên rất yêu thích các hoạt động nghệ thuật nói chung. Lên cấp 3 mình tham gia biểu diễn với CLB Glee Ams, CLB LaMode và nhạc kịch English Performance của lớp Anh 2 trường Hà Nội – Amsterdam, và sắp tới mình sẽ biểu diễn violin tại buổi tiệc Diversity Leadership Celebration tại trường Đại học của mình.
Bất đồng ngôn ngữ, shock văn hóa: 2 vấn đề nghiêm trọng của du học sinh Việt
Nhiều du học sinh gặp phải vấn đề bất đồng ngôn ngữ khi đi du học dù điểm IELTS rất cao, những ngày đầu đặt chân đến Mỹ bạn có bị tình trạng này không?
Trước khi đặt chân tới nước Mỹ, mình khá tự tin vào khả năng giao tiếp tiếng Anh. Tuy nhiên, đạt được điểm tốt trong các cuộc thi chuẩn hóa tiếng Anh không đồng nghĩa với việc sẽ không gặp phải bất đồng ngôn ngữ.
Khi mới đến đây, những người Mỹ mình gặp nói các giọng khác nhau với tốc độ khá nhanh, cộng thêm sử dụng từ lóng thường xuyên và nói về những chủ đề liên quan mật thiết đến cuộc sống đời thường của một nền văn hóa khác hẳn với môi trường mình sinh ra và lớn lên. Điều này làm mình rất mệt mỏi và thậm chí không muốn nói tiếng Anh nữa. Vì thế nên thỉnh thoảng lại có những lần mình vô thức nói tiếng Việt với người Mỹ. Điển hình có một lần mình đi Uber, bác tài xế hỏi mình đến địa điểm này đúng không, mình hồn nhiên trả lời "Vâng ạ!" giống như nói chuyện ở Việt Nam.
Tuy nhiên, sau một quãng thời gian cố gắng cởi mở và điều chỉnh bản thân, mình đang dần trở nên quen hơn và khá hài lòng với cuộc sống du học Mỹ. Từ một đứa chỉ biết đến lớp rồi chui về phòng làm bài tập, bây giờ mình đã quen hơn với cách nói chuyện của các bạn Mỹ, tham gia các hoạt động tình nguyện Honors College của trường tổ chức, làm khách mời biểu diễn violin tại buổi tiệc Diversity Leadership Celebration, tham gia hội đồng University Engagement Trustees và thành lập hội học sinh Việt Nam của trường.
Vậy là bạn đang trải qua những ngày tháng đáng nhớ nhất của cuộc sống du học. Bạn ấn tượng nhất điều gì về đất nước, con người ở đây?
Điều mình thích nhất là nền giáo dục cởi mở và sự sẵn sàng giúp đỡ sinh viên của các giáo sư. Đương nhiên không phải ở bất cứ đâu và bất kỳ giáo sư nào cũng cởi mở với học sinh, nhưng mình dám chắc là nếu bạn chịu khó gặp gỡ, nói chuyện và bày tỏ khó khăn với họ, không có lý do gì mà họ không trợ giúp bạn. Học kỳ vừa rồi mình đã lọt vào "Dean’s list" - danh sách tôn vinh những sinh viên xuất sắc của khoa.
Đã được cấp học bổng du học, đã bắt đầu cuộc sống ở một đất nước có nền giáo dục hàng đầu thế giới, vậy bạn có lời khuyên gì cho các bạn trẻ ở Việt Nam đang ấp ủ giấc mơ được du học?
Có lẽ mình sẽ không đề cập đến quá trình chuẩn bị hồ sơ hay bài luận vì đã có nhiều người, nhiều trung tâm tư vấn đưa ra lời khuyên cho các bạn rồi. Thay vào đó mình muốn nói đến một khái niệm gọi là "culture shock" – sốc văn hoá.
Mình tin là bạn du học sinh nào cũng sẽ phải trải qua điều này dù ít hay nhiều. Đây là một vấn đề cần được cân nhắc kỹ lưỡng nếu các bạn muốn đi du học vì culture shock là một trở ngại không nhỏ của phần lớn du học sinh, nhất là đối với những bạn khép kín như mình hồi trước.
Sau khi đặt chân đến Mỹ, mình mới nhận thấy quá trình apply mệt mỏi không thể so sánh được với cuộc sống du học. Đương nhiên được tiếp cận và học hỏi từ một đất nước khác, những con người khác rất thú vị, nhưng đồng thời bạn sẽ phải là người chủ động nắm bắt cuộc sống của mình, hòa nhập với môi trường xung quanh và tìm kiếm các cơ hội cho bản thân.
Bạn vừa chân ướt chân ráo tới vùng đất lạ, vừa phải tự lo cho những điều hàng ngày ở Việt Nam mình không phải nghĩ tới, khi đó, cơ thể và tâm lý của bạn có thể sẽ phải chịu những thay đổi tiêu cực, trong nhiều trường hợp những thay đổi này rất nghiêm trọng đến sức khoẻ. Bạn nên xác định rõ ràng mục tiêu đi du học của bản thân và quan trọng nhất là chuẩn bị tinh thần và thể chất thật vững vàng cho cuộc sống đại học.
Dung có dự định gì sau khi tốt nghiệp đại học chưa?
Mặc dù mình chưa biết chắc con đường học tập và sự nghiệp về sau nhưng chắc chắn trong tương lai mình sẽ cố gắng mở lòng với những cơ hội, ý tưởng đến với mình. Quan trọng hơn là mình sẽ trải nghiệm những môn học, lĩnh vực mới, làm quen với những người bạn mới, đi du lịch và thử sức với những công việc mình chưa từng làm bao giờ. Còn trẻ mà, bây giờ không trải nghiệm thì còn đợi đến bao giờ?
Cảm ơn Dung về bài phỏng vấn!
Theo báo Kênh 14