Đại học Ngoại Thương, Đại học Bách Khoa, ... công bố phương thức tuyển sinh 2016
Các trường đại học đã rục rịch công bố những thay đổi trong mùa tuyển sinh năm 2016.
>> Bộ GD&ĐT chính thức công bố phương án thi THPT quốc gia năm 2016
Trường ĐH Ngoại thương xét tuyển trên cơ sở kết quả của kỳ thi THPT quốc gia 2016 của các cụm thi do Trường đại học chủ trì.
Điều kiện được nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển: Điểm trung bình chung học tập của từng năm lớp 10, 11, 12 từ 6,5 trở lên; hạnh kiểm của từng năm lớp 10, 11, 12 từ khá trở lên;
Điểm ba môn thi (theo tổ hợp môn xét tuyển) đạt mức điểm thông báo nhận hồ sơ xét tuyển của nhà trường.
Các môn xét tuyển nhân hệ số 1. Riêng các ngành Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Pháp, Ngôn ngữ Trung, Ngôn ngữ Nhật môn thi chính là ngoại ngữ sẽ nhân hệ số 2.
Trường ĐH Ngoại thương xác định điểm trúng tuyển theo ngành. Điểm trúng tuyển được xác định riêng cho cơ sở Hà Nội, cơ sở 2-TP Hồ Chí Minh, cơ sở Quảng Ninh.
Sau khi sinh viên trúng tuyển đã hoàn thành thủ tục nhập học, căn cứ kết quả tuyển sinh đại học, chỉ tiêu từng chuyên ngành và nguyện vọng đăng kí của sinh viên, Trường sẽ tổ chức xếp sinh viên vào chuyên ngành thuộc ngành trúng tuyển.
Trường hợp số thí sinh bằng điểm nhiều hơn chỉ tiêu thì sẽ xét ưu tiên theo điểm thi môn Toán.
Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội năm 2016 có tổng chỉ tiêu dự kiến khoảng 6.000 và phương án xét tuyển tiếp tục thực hiện như năm trước.
Trường sẽ áp dụng điều kiện sơ loại: Thí sinh đăng ký xét tuyển phải có tổng điểm trung bình của các môn học thuộc tổ hợp 3 môn thi xét tuyển, tính cho 06 học kỳ THPT từ 20,0 trở lên. Tuy nhiên, điều kiện này không áp dụng cho thí sinh thuộc diện tuyển thẳng và thí sinh thi liên thông từ hệ CĐ chính quy của trường lên ĐH.
Tổ hợp 3 môn xét tuyển được chọn trên cơ sở các khối thi truyền thống của trường trước đây (A, A1, D1, D3) và bổ sung thêm các tổ hợp môn thi khác (Toán-Hóa-Anh, Toán-Hóa-Sinh) nhằm tạo điều kiện cho thí sinh một sự lựa chọn rộng rãi hơn. Toán được chọn là môn thi chính (hệ số 2) khi xét tuyển vào một số ngành đào tạo.
Trường dự kiến chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy năm 2016 là 6000, trong đó 400 sinh viên thuộc các chương trình đào tạo quốc tế.
Trường ĐH Kinh tế Quốc dân tuyển sinh trong cả nước với 4.800 chỉ tiêu. Trường sử dụng kết quả kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 tại các cụm thi do các trường đại học chủ trì để xét tuyển. Thí sinh đăng ký môn xét tuyển theo 1 trong các tổ hợp ở cột (4) để Trường xét tuyển.
Điều kiện điểm tối thiểu để tham gia xét tuyển: Thí sinh có điểm tổ hợp xét tuyển cao hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ ít nhất 2 (hai) điểm. Trường xét tuyển theo từng ngành và điểm trúng tuyển được xác định theo từng ngành.
Quy trình đăng ký, xét tuyển: Theo quy định chung của Bộ GD&ĐT
Trường tuyển thẳng các đối tượng theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT); Tuyển thẳng đối với thí sinh có 3 môn thi Trung học phổ thông (THPT) Quốc gia, trong đó có môn Toán và 2 môn bất kỳ, đạt 27 (Hai mươi bảy) điểm trở lên, không tính điểm ưu tiên.
Trường ĐH Hà Nội (Xem chi tiết tại đây)
Năm nay trường tuyển sinh 2.100 chỉ tiêu cho 16 ngành bậc đại học. Trong đó, ngoại ngữ là môn xét tuyển cho tất cả các ngành.
Điều kiện xét tuyển: Thí sinh muốn dự tuyển phải có tổng điểm ba môn chưa nhân hệ số đạt tối thiểu 15 điểm. Trường tính điểm căn cứ kết quả thi THPT quốc gia 2016 với thang điểm 10, riêng môn ngoại ngữ nhân hệ số 2.
Tổng điểm xét tuyển bao gồm cả điểm ưu tiên của thí sinh (nếu có). Xét chỉ tiêu theo kết quả tổng điểm từ cao xuống thấp.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền thông báo tuyển sinh năm 2016 với 1.550 chỉ tiêu theo 4 nhóm ngành, căn cứ vào kết quả thi THPT quốc gia. Riêng nhóm ngành Báo chí, nhà trường sẽ tổ chức thi bổ sung môn Năng khiếu báo chí gồm 2 phần trắc nghiệm (3 điểm), tự luận (7 điểm), thời gian 150 phút. Bài thi do Học viện ra đề, tổ chức chấm.
Thí sinh dự tuyển chuyên ngành Quay phim truyền hình, Báo ảnh sẽ phải tham gia vòng xét tuyển phỏng vấn trực tiếp. Đây là lần đầu tiên trường tổ chức phỏng vấn thí sinh dự thi hai chuyên ngành này.
Điều kiện để thí sinh được xét tuyển hồ sơ đăng ký vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền là: Có kết quả xếp loại học lực từng năm học trong 3 năm THPT đạt 6 điểm trở lên; Hạnh kiểm đạt từ Khá trở lên; Hồ sơ đăng ký xét tuyển theo quy định của Bộ Giáo dục, kèm bản sao học bạ công chứng 3 năm THPT.
Điểm trúng tuyển vào trường ở các ngành Báo chí, Quan hệ quốc tế được xét theo ngành. Thí sinh trúng tuyển sau đó sẽ được phân chuyên ngành căn cứ kết quả học tập các học phần đại cương và cơ sở ngành, kết quả kiểm tra Năng khiếu chuyên ngành và nguyện vọng. Trong đó, ngành Báo chí gồm 7 chuyên ngành: Báo in, Ảnh báo chí, Báo phát thanh, Báo truyền hình, Quay phim truyền hình, Báo mạng điện tử, Báo chí đa phương tiện. Ngành Quan hệ quốc tế gồm 2 chuyên ngành: Thông tin đối ngoại, Quan hệ chính trị và truyền thông quốc tế.
Riêng thí sinh dự tuyển ngành Báo chí chuyên ngành Quay phim truyền hình, Báo ảnh được xác định chuyên ngành từ đầu khóa học, căn cứ nguyện vọng đăng ký trong hồ sơ dự thi và kết quả phỏng vấn.
Các ngành Triết học, Kinh tế chính trị học xét điểm trúng tuyển theo chuyên ngành dựa trên tổng điểm các môn thi quy định cho từng nhóm ngành xếp từ cao xuống thấp.
Trường ĐH FPT thay đổi phương thức thi tuyển
Năm 2016, trường tiếp tục tổ chức kỳ thi tuyển sinh đầu vào theo hình thức trắc nghiệm và viết luận. Kỳ thi sẽ diễn ra vào ngày 15.5.2016, với điểm mới là 100% thí sinh sẽ làm bài thi trên máy tính.
Chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến của trường là 2.000 sinh viên cho 9 chuyên ngành, gồm: Kỹ thuật phần mềm, An toàn thông tin, Công nghệ thông tin, Marketing, Tài chính quốc tế, Kinh doanh quốc tế, Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Nhật và Thiết kế đồ họa. Trong đó, Kinh doanh quốc tế và Công nghệ thông tin là hai ngành mới.
Đối tượng tuyển sinh là thí sinh đã tốt nghiệp THPT hoặc sẽ tốt nghiệp THPT năm 2016. Hạn đăng ký xét tuyển đến hết ngày 11/5/2016.
Thí sinh thuộc các đối tượng sau sẽ được miễn thi đầu vào: Thuộc diện được tuyển thẳng theo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ, hệ đại học chính quy của Bộ GD-ĐT năm 2016; tổng điểm 3 môn đạt từ 21 điểm trở lên (đã bao gồm điểm ưu tiên) trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 theo tổ hợp môn tương ứng với ngành đăng ký học tại Trường ĐH FPT; Điểm trung bình cộng 3 môn từ 7.0 điểm trở lên (theo tổ hợp môn tương ứng với ngành đăng ký học tại Trường ĐH FPT) trong 5 học kỳ ( lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12) theo kết quả Học bạ THPT.
Thí sinh là học sinh Trường THPT FPT: có điểm trung bình cộng 3 môn từ 6.5 điểm trở lên (theo tổ hợp môn tương ứng với ngành đăng ký học tại Trường Đại học FPT) trong 5 học kỳ ( lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12) theo kết quả Học bạ THPT; đạt giải cấp thành phố cuộc thi Violympic năm 2015, 2016; vào vòng 2 cuộc thi Alice hoặc Scratch 2015; chuyên ngành Ngôn ngữ Anh: Có chứng chỉ tiếng Anh TOEFL iBT từ 80 hoặc IELTS từ 6.0 hoặc quy đổi tương đương; chuyên ngành Ngôn ngữ Nhật: Có chứng chỉ tiếng Nhật JLPT từ N3 trở lên.
Thí sinh có thể đăng ký vào Trường Đại học FPT theo 1 trong 2 cách: Đăng ký trực tiếp tại các văn phòng tuyển sinh hoặc gửi hồ sơ qua bưu điện. Thí sinh có thể đăng ký và nộp hồ sơ trực tuyến tại website http://daihoc.fpt.edu.vn
Trường Đại học Y Tế Công Cộng
Giống như năm 2015, trường ĐH Y Tế công cộng sẽ dựa vào kết quả kỳ thi THPT Quốc Gia và có phạm vi tuyển sinh trên cả nước
Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam tuyển sinh năm 2016 theo phương thức xét tuyển kết hợp thi tuyển và tuyển sinh 150 chỉ tiêu. Thí sinh đăng ký dự thi vào Học viện phải có một trong các điều kiện về bằng cấp như sau: Tốt nghiệp Trung cấp âm nhạc, hoặc tốt nghiệp THPT hoặc bổ túc THPT hoặc có trình độ tương đương Trung cấp âm nhạc. Học viện kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển, trong đó có xét tuyển thẳng, không tổ chức thi sơ tuyển. Học viện tuyển sinh theo khối năng khiếu (khối N). Trường chỉ tổ chức thi tuyển môn Kiến thức cơ sở và Môn cơ bản, xét tuyển môn Ngữ văn. Trường xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD-ĐT đối với các thí sinh đã đoạt giải thưởng tại cac cuộc thi âm nhạc Quốc tế. Áp dụng tuyển thẳng đối với các thí sinh tốt nghiệp hệ TCCN tại Học viện ANQGVN, trong đó: ngành Piano điểm tốt nghiệp chuyên ngành từ 9.5 điểm trở lên; Tất cả các ngành còn lại điểm tốt nghiệp chuyên ngành từ 9 điểm trở lên…
Đại học Thương Mại tuyển sinh trong cả nước
Phương thức tuyển sinh: Trường tuyển sinh đại học chính quy dựa vào kết quả kỳ thi THPT Quốc gia (đối với thí sinh dự thi tại các cụm thi THPT quốc gia do các trường đại học chủ trì);
Phương thức xét tuyển:
Trường xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia theo từng tổ hợp môn xét tuyển và theo từng ngành/chuyên ngành đào tạo. Ngành Ngôn ngữ Anh, Tiếng Anh là môn chính.
Ngành Quản trị kinh doanh Tổ hợp môn thi Toán, Tiếng Pháp, Ngữ văn chỉ dành cho chuyên ngành Tiếng Pháp thương mại.
Thời gian tuyển sinh: Từ khi thí sinh nhận được thông báo kết quả Kỳ thi THPT quốc gia đến khi Trường tuyển đủ chỉ tiêu.
Tổng hợp từ vietnamnet, dantri