Theo chân Amsers đón tết xa nhà
Những ngày giáp Tết này, mọi người dân Việt Nam nô nức chuẩn bị đón Tết, ai đi làm đâu xa cũng nhanh thu xếp công việc để trở về bên gia đình, trở về quê hương để đoàn tụ, sum vầy. Tết trong lòng người Việt thiêng liêng đến lạ. Với những người con đang sinh sống, học tập và làm việc tại nước ngoài, đây lại là dịp khiến cho họ có nhiều cảm xúc nhất khi hướng về cái Tết quê nhà. Và thật vinh dự cho nhóm phóng viên chúng tôi khi có cơ hội tâm sự cùng 3 cựu Amser đang sinh sống tại nước ngoài: Cô Nguyễn Nguyệt Minh (Nga 88-91) định cư tại Nhật Bản, chú Vũ Đức Thăng (Pháp 93-96) định cư tại Pháp và chị Vương Khánh Linh (Văn 08-11) hiện đang là du học sinh Mỹ. Hãy cùng trò chuyện với họ để tìm hiểu xem họ đón Tết tại nước ngoài như thế nào nhé!
PV: Chúng cháu chào cô chú, chúng em chào chị ạ! Chúng cháu, chúng em rất vui khi được gặp cô chú và chị để cùng ngồi đây trao đổi với nhau về những câu chuyện Têt. Trước tiên, cho cháu xin phép được hỏi cô Nguyệt Minh, theo cảm nhận của cô, việc đón Tết ở nước ngoài khác với đón Tết ở Việt Nam như thế nào ạ?
Tết Âm lịch không trùng vào kỳ nghỉ của nước sở tại nên người Việt mình vào ngày này vẫn đi học hay đi làm bình thường. Ở nước ngoài, đối với cô, nói đón Tết chủ yếu hiểu là đón Tết trong tâm tưởng thôi. Cô có một người bạn, cũng định cư tại Nhật, và thật thú vị cũng là Amser đó là cô Đoàn Anh Thư, lớp Văn khoá 85-87 có viết bài thơ về Tết. Cô thấy nhiều đồng cảm ở đây. Đọc cháu nghe nhé:
“Tết
Ở đây không có Tết
Ở đây chỉ có tuyết
Tuyết trắng đất, trắng trời
Người rơi như tuyết rơi
Người rơi vào nỗi nhớ
Bây giờ ở đâu đó
Bánh chưng đang toả hơi
Bây giờ ở đâu đó
Hương khói quện về Giời
Bây giờ ở đâu đó
Là những khuôn mặt người
...
Bỗng mơ lòng như tuyết
Trắng trong và tinh khiết
Nhẹ nhàng rơi
Và
Rơi...
Chạm tinh khôi vào đời”
(Đoàn Anh Thư)
Ở Việt Nam vài tuần trước Tết mọi người đã nói về Tết, lo cho Tết, rồi giao thừa qua đi thì mọi người còn ăn Tết, chơi Tết...Tuy nhiên đối với những người sống xa quê hương, Tết - mà đặc biệt là thời điểm giao thừa ở Việt Nam là lúc nhớ về người thân yêu, đặc biệt là bố mẹ, nhớ nhà, nhớ về những ký ức Tết thời thơ ấu. Đúng là đón Tết bằng nỗi nhớ....
PV: Đón Tết trong tâm tưởng và nghĩ về Tết Việt Nam quả là một nỗi nhớ da diết, vậy kỉ niệm đáng nhớ nhất của cô khi ăn Tết xa quê hương là gì ạ?
Kỉ niệm thì cô có rất nhiều, có năm được ăn bánh chưng mua được ở chợ Việt, có năm thì đi chùa Việt Nam... nhưng kỉ niệm đáng nhớ nhất đó là có năm, hình như Tết năm ấy là năm 2003, cô đã quá nhớ nhà và phải cầm điện thoại đặt ngay vé máy bay về Hà Nội!
Cô Nguyễn Nguyệt Minh, học sinh lớp Nga khóa 88-91, hiện đang định cư tại Nhật Bản
PV: Ở Việt Nam, bánh chưng, bánh tét là món ăn cổ truyền của dân tộc ta trong những ngày này. Vậy cô có thể cho chúng cháu biết ở Nhật Bản, những món ăn nào là đặc trưng và chúng có ý nghĩa như thế nào trong dịp năm mới không ạ?
Người Nhật có các món ăn cho ngày Tết gọi là “Osechi”. Osechi gồm rất nhiều món ăn, đựng gọn gàng trong từng chiếc hộp, có thể chồng lên nhau. Mỗi món ăn đều có ý nghĩa đặc biệt để đón chào năm mới. Ví dụ như món đậu đen "kuromame" tượng trưng một năm mới nhiều sức khoẻ, món trứng cá "kazunoko" tựa như lời chúc con đàn cháu đống trong năm mới, còn nữa, món tôm, người Nhật rất thú vị khi lấy hình ảnh con tôm sau mỗi lần lột vỏ làm biểu tượng cho sự tăng trưởng, đổi mới trong cuộc đời; cái lưng cong của con tôm tựa như tấm lưng người già, món ăn này như một lời cầu chúc trường thọ...
PV: Ôi, chúng cháu không ngờ mỗi món ăn của Nhật Bản lại có những ý nghĩa sâu xa đến vậy! Cô có thể cho chúng cháu biết thêm người Nhật thường làm gì, hay có những phong tục tập quán đặc biệt nào trong ngày Tết không ạ?
Vào những ngày trước Tết, ở các đền chùa, các gia đình và ngay cả ở các lớp học, mọi người đều dọn dẹp vệ sinh thật sạch sẽ để đón năm mới. Vào đúng giao thừa sẽ có những tiếng chuông vang lên tại các ngôi chùa, đền thờ trên khắp đất nước Nhật Bản, chuông được đánh 108 lần tượng trưng cho việc xua đi 108 ham muốn trần tục của con người theo như lời Phật dạy.
Ngoài ra, một phong tục đón năm mới ở Nhật Bản rất thú vị đó là người dân thường ăn mì soba vào giữa đêm giao thừa. Mục đích của việc này chính là để xua đuổi ma quỷ trước khi đón chào năm mới cũng như mong muốn cuộc sống lâu dài, hạnh phúc bên gia đình. Người Nhật cũng có phong tục gửi thiếp chúc năm mới đến bạn bè, đồng nghiệp, họ hàng rồi đi đền, chùa vào ngày đầu năm để cầu chúc cho năm mới tốt lành. Giống như ở Việt Nam, trẻ em Nhật cũng nhận được tiền mừng tuổi từ được ông bà, bố mẹ.
PV: Qua lời kể của cô, chúng cháu đã thấy phần nào được du lịch tại Nhật Bản vào ngày Tết. Bây giờ chúng ta sẽ du lịch tới nước Pháp để thấy Tết qua lời kể của chú Đức Thăng nhé! Cho con được hỏi chú Thăng, Chú thấy không khí đón Tết của chú lúc còn học tại trường như thế nào ạ? Và Tết của chú lúc này có khác gì không ạ?
Những năm chú còn học tại trường thì hoàn cảnh gia đình lúc đó vẫn rất khó khăn, nên chú không có quá nhiều cảm nhận về ngày Tết. Gần Tết thì cũng giống như bất kỳ học trò nào, chú thích cảm giác chờ một kỳ nghỉ, nhưng nghỉ vài ngày thì lại muốn đến trường, vì gia đình không có nhiều điều kiện để tận hưởng trọn vẹn hương vị Tết. Tết những năm sau này thì chú bắt đầu ra đi làm, có điều kiện hơn, nhưng lại thiếu những cảm giác về tết xưa, không nấu bánh chưng, không đốt pháo, gia đình có điều kiện thì thích đi du lịch hơn là thăm hỏi nhau. Chú thấy những giá trị truyền thống Tết xưa cũng ngày một mai một.
PV: Chúng cháu được biết là chú đã du học tại Pháp một khoảng thời gian khá dài, vậy chú có thể chia sẻ cảm xúc của chú khi đón Tết ở một nơi xa lạ như vậy không ạ?
Những năm đón Tết xa nhà đối với chú thực sự là những kỷ niệm không thể nào quên. Đó là quãng thời gian cho ta biết trân trọng giá trị của quê hương xứ sở và gia đình. Vì lệch múi giờ nên chú và bạn bè bên đó thường tập trung nhau lại chờ thời khắc bước sang năm mới theo giờ ở Việt Nam để cùng nhau dùng bữa tiệc tất niên và đón năm mới và không khỏi trong đầu một cảm giác buồn và nhớ nhà ghê gớm. Chỉ mong sao mau chóng kết thúc quá trình và trở về vui tết đoàn viên với gia đình.
PV: Vậy thưa chú, Tết ở bên Pháp có điều gì khác so với Tết ở Việt Nam ạ?
Tết Âm lịch là thời điểm các bạn nước ngoài vẫn làm việc vì họ đón năm mới theo dương lịch. Cộng đồng người Việt và du học sinh ở đây vẫn tổ chức đón năm mới với đủ nghi thức và đặc sản địa phương, nhất là quận 13 tập trung đông người châu Á nhất vẫn có đốt pháo, múa lân sư rồi có cả hội chợ hoa. Chỉ có điều khác là thiếu không khí quê hương và thiếu đi gia đình, người thân.
Chú Vũ Đức Thăng, du học sinh tại Pháp, cực Amser khối Pháp khoá 93-96
PV: Ở Việt Nam, hoa đào miền Bắc, hoa mai miền Nam đã báo hiệu mùa xuân về. Vậy ở nước Pháp có loài cây, hoa nào đặc biệt để người Việt mình đónTết không ạ?
Bên Pháp cũng có hoa anh đào như Nhật Bản và Hàn Quốc để báo hiệu mùa xuân. Còn hội chợ hoa thì lúc nào cũng có đủ cả cây mai, cây đào và cây quất để mua về nhà trưng bày đón năm mới, dĩ nhiên là đắt hơn ở Việt Nam rất nhiều.
PV: Chúng con cảm ơn chú vì những chia sẻ rất xúc động về việc đón Tết của cộng đồng người Việt tại Pháp. Còn đối với chị Khánh Linh, là một du học sinh Mỹ, cảm xúc của chị khi lần đầu đón Tết ở nơi xa quê hương, gia đình là như thế nào ạ?
Nhà thơ Chế Lan Viên trong tác phẩm “Tiếng Hát Con Tàu” đã có một câu thơ mà chị vô cùng tâm đắc: “Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi, đất đã hóa tâm hôn!” Trải nghiệm cuộc sống của một du học sinh sống xa quê hương đặc biệt là vào dịp Tết cổ truyền của dân tôc khi mà nhà nhà đoàn viên sum vầy mới thấy thấu được tình thân. Dẫu cuộc sống xa nhà mang lại nhiều điều quý giá – là nghị lực sống, là bản lĩnh tự lập nhưng không thể nào làm nguôi đi nỗi nhớ da diết của người con xa xứ, cũng như tâm trạng khắc khoải ngóng trông của bậc làm cha mẹ.
Mặc dù vậy, cuộc sống xa xứ ấy cũng được bù đắp phần nào bởi tình bạn của những con người đồng hương và cả những người bản quốc tế không cùng màu da, tiếng nói. Chị nhớ sao những đêm 30 tết, cả lũ bạn cùng mở mạng nói chuyện rôm rả qua video và cùng cười nói vui vẻ xem Ngọc Hoàng và các Táo quân lên chầu trời trong chương trình truyền hình Tết. Và thêm nữa, chị thấy vui sao khi được những người bạn nước ngoài quan tâm và tặng những món quà chào mừng năm mới, những lời chúc bằng tiếng Việt Nam nghe thật kì kì mà sao ấm áp đến lạ.
Chị Vương Khánh Linh, lớp Văn khoá 08 – 11, chụp ảnh cùng bạn bè nước ngoài
PV: Thưa chị, mâm cỗ ngày Tết ở Việt Nam có gì khác so với mâm cỗ mà người Việt mình tự tổ chức ở nước ngoài không ạ?
Ở bên Mĩ, do cộng đồng người Việt khá đông nên mọi người có thể dễ dàng mua được các thực phẩm đặc trưng của Tết cổ truyền như bánh chưng, thịt gà, giò chả. Tuy nhiên, với chi phí khá là đắt đỏ, mâm cỗ chỉ mang ý nghĩa tượng trưng cho có không khí Tết. Vậy nên tiêu chí của những du học sinh ở đây bao giờ cũng là “ tinh thần đi trước, vật chất theo sau” thôi!
PV: Vậy có kế hoạch tụ tập, đi chơi, đón Tết cùng những du học sinh từ Việt Nam ở đây không ạ?
Đương nhiên là có rồi! Dù mỗi đứa bây giờ một phương, một công việc khác nhau, thậm chí có đứa đã lập gia đình, sinh em bé, nhưng mọi thứ sẽ chẳng bao giờ thay đổi, tình bạn sẽ là mãi mãi và dù tương lai là thứ bất biến chưa ai có thể nói trước được điều gì nhưng bọn chị sẽ cố gắng trân trọng và gìn giữ những tình cảm và kỉ niệm quý giá ấy.
PV: Một năm cũ lại qua đi và năm mới lại đến, liệu chị đã có dự định gì cho năm nay chưa ạ?
Hiện tại, chị đã tốt nghiệp xong Đại học và đang làm việc tại một cơ quan nhà nước. Thế hệ trẻ như chị không mong muốn gì hơn là trong thời gian này có thể trau dồi và học hỏi thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm trong công việc và cuộc sống. Ngoài ra, chị cũng muốn đặt mục tiêu rèn luyện các kĩ năng mềm như một năm đọc được 6 cuốn sách mới, tập viết bài nhiều hơn vì có viết tốt mới nói tốt được,… Nói chung, được về nước và mang tuổi trẻ, sự nhiệt thành để cống hiến cho quê hương là trách nhiệm và cũng là động lực để cho chị cố gắng và tiến bước.
PV: Một lần nữa, chúng cháu xin cảm ơn cô Minh, chú Thăng, em cảm ơn chị Linh đã dành cho nhóm phóng viên một khoảng thời gian quý báu cùng với những câu chuyện chân thật và đầy xúc động. Nhân dịp xuân Bính Thân sắp đến, chúng cháu xin chúc cô chú luôn mạnh khỏe, vui vẻ và hạnh phúc bên gia đình, chúng em chúc chị luôn luôn đạt được những dự định như mình mong muốn và thành công trên con đường mình đã chọn!
PV: Ngọc Bich – Văn 15-18
Thanh Hằng – Sinh 14-17