The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Phó Chủ tịch nước đề xuất bỏ thi tốt nghiệp

Post by: hn-ams | 01/08/2013 | 2266 reads

Sáng 31/7, những người có tên tuổi trong giới giáo dục lại có dịp ngồi cùng nhau tìm giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục trong hội nghị do Mặt trận Tổ quốc tổ chức.

Hiếm có hội nghị nào mà các đại biểu được xưng là "các cụ" lại cần mẫn lắng nghe, góp kiến với những tâm huyết chắt lọc cả đời,  mong cho giáo dục Việt Nam (GDVN) thời kỳ mới theo kịp các nước phát triển. Đã có 30 tham luận được gửi trước. Ai cũng muốn được thể hiện tại buổi đối thoại nhưng mỗi đại biểu chỉ có 10 phút để trình bày.

Hội nghị không đề cập đến thực trạng mà đi thẳng vào những giải pháp nâng chất lượng GDVN đã thu hút các ghế ngồi kín đến phút chót - vì ai cũng muốn ý kiến mình được đăng tải nguyên vẹn trong kỷ yếu và đến được những địa chỉ cần đến....

GS Hồ Ngọc Đại: "THPT chỉ cần học 2 năm..."

Sự biến đối căn bản và toàn diện trên thực tiễn toàn cầu đã tạo ra một cuộc sống bình thường chưa hề có. Do đó, cần một nền giáo dục chưa hề có cho cuộc sống mới ấy.

GS Hồ Ngọc Đại

Nền giáo dục cho 100% dân cư hiện đại phải cấp cho từng cá nhân hiện đại sức lao động - từ nấc thang thấp nhất cho đến nấc thang cao nhất - để mỗi cá nhân có thể sống bình thường.

Đặc trưng cơ bản của giáo dục nhà trường hiện đại là tạo ra sự phát triển tinh thần cho từng cá nhân. Bậc học, cấp học là một đoạn cắt ra tư dòng phát triển tự nhiên của trẻ em hiện đại, theo nhu cầu sức lao động mà cá nhân cần có - để sống bình thường.

Việc học hiện đại đối với 100% dân cư là việc sống còn - đừng phủ lên nó những ảo tưởng mơ hồ, những thua cuộc được mất trong phòng thi.

Nhân tài là đặc sản cá nhân. Giáo dục đại trà chỉ cấp cho cá nhân những tri thức và kĩ năng cơ bản bắt buộc, tối thiểu, không thể không có. Do đó cần phân chia bậc học theo 2 tiêu chí: Sự phát triển tự nhiên của trẻ em hiện đại qua các lứa tuổi. Nhu cần sức lao động của các cá nhân trong nền sản xuất hiện đại.
Khi đó, hệ thống giáo dục phổ thông cần 11 năm (6 năm tiểu học, 3 năm THCS và 2 năm THPT). 17 tuổi ra khỏi trường phổ thông ở nền văn minh hiện đại là vừa. Nán lại thêm 1 năm nữa là thừa, tốn kém và có thể hại về tâm lý đối với thanh niên hiện đại.

Phó GS Văn Như Cương:"Cấu trúc lại chương trình THPT"

Cần xác định lại mục tiêu của giáo dục phổ thông. Nếu học xong THPT đi làm ngay thì học chương trình hiện hành là không cần thiết, rất lãng phí. Thực tế chương trình chỉ có 1 và mục đích duy nhất là vào ĐH. Việc phân ban đã thất bại nên giáo dục chỉ phân loại theo khối A,B,C,D nên có sự lệch lạc vì không phải ai cũng có nhu cầu học lên ĐH.

PGS Văn Như Cương

Cho nên cần phải cấu trúc lại chương trình THPT. Cụ thể, bậc tiểu học và THCS một chương trình. Bậc THPT phân ra hai nhánh: một nhánh trường THPT và nhánh kia gọi là TH có dạy nghề.

Các trường THPT chiếm khoảng 40% só học sinh - nhằm đào tạo những học sinh sau khi tốt nghiệp có thể tiếp tục học ở những trường ĐH. Chương trình gồm 5 môn học bắt buộc Toán, Tiếng Việt, Ngoại ngữ, GD kĩ năng sống, GD thể chất. Ngoài ra còn có các môn tự chọn...

Các trường TH có dạy nghề chiếm 60% số học sinh đào tạo sau khi tốt nghiệp có một nghề. Học sinh có thể ra làm nghề hoặc học lên CĐ nghề hoặc trung cấp nghề. Cần nghiên cứu và xây dựng một chương trình phù hợp với loại hình trường này trên tinh thần 50% thời lượng học tập dành cho phần dạy nghề và 50% còn lại dành cho kiến thức văn hóa phổ thông đơn giải nhất.

Mặt khác, cách thi cử, đánh giá, kiểm định chất lượng cũng cần phải thay đổi. Kì thi tốt nghiệp THPT nên tổ chức nhẹ nhàng và giao về các sở. Không cần tổ chức một cuộc thi căng thẳng, nặng nề như hiện nay. Kì thi tuyển sinh nên giao cho các trường ĐH, CĐ.

Nên có một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa. Không nên bắt học sinh ở Điện Biên học chung sách giáo khoa với học sinh ở Hà Nội và TP.HCM. Mỗi bộ sách cần có một Hội đồng thẩm định đủ năng lực.
Để có một đề án đổi mới giáo dục mang tính khả thi tránh được những sai lầm, chúng ta cần tổ chức lấy ý kiến rộng rãi hơn của các nhà sư phạm, các nhà khoa học, các nhà quản lí, phụ huynh và học sinh...

GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu, phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học - Giáo dục Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam:"Thiếu giải pháp làm cho tâm người thầy sáng hơn"

Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục cần tập trung 4 giải pháp: Quan niệm về chất lượng và mục tiêu giáo dục; Cần có môi trường xã hội lành mạnh mới nâng cao được chất lượng giáo dục, đào tạo được những người có đức có tài. Đồng thời, cần chú trọng nhiều hơn đến giải pháp tổng thể nhằm đào tạo, xây dựng đội ngũ giáo viên có tâm có tầm, người học có động cơ đúng đắn không phải học chỉ để có "tấm bằng thật, chất lượng giả".

GS.TS KH.Phạm Thị Trân Châu

Song song với việc cần có chính sách, giải pháp hợp lý về học bổng, học phí là cần thay đổi mới cách quản lý giáo dục.

Hiện tượng trong nhà trường nào đó tồn tại thầy "bán bằng", một bộ phận học trò học chỉ để có "bằng" - có phần là do lõi của hệ thống quản lí giáo dục. Chúng ta cần có đội ngũ giáo viên có tâm và có tầm. Các giải pháp nêu trong chiến lược phát triển giáo dục là khá đầy đủ nhưng còn thiếu những giải pháp làm cho tâm người thầy sáng hơn thì chưa được đề cập một cách cụ thể, trực diện. Đây là vấn đề mấu chốt không thể xem nhẹ.

Thực tế, những hiện tượng tiêu cực trong xã hội đã xâm nhập vào một bộ phận không ít giáo viên - những nười mà học trò noi gương theo.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan: "Đề nghị bỏ thi tốt nghiệp THPT"

Cá nhân tôi rất sốt ruột với các vấn đề của giáo dục. Từ kinh nghiệm thực tế và lắng nghe các góp kiến, rất đồng tình với cách đặt vấn đề của số đông đại biểu "Tại sao đất nước chậm đổi mới và nguy cơ tụt hậu trong khi lại mẫu thuẫn với số học sinh ra trường ngày một đông, lượng tiến sĩ ngày một tăng? Phải chăng chúng ta đang lãng phí một nguồn lực về giáo dục đào tạo? dù đã có đủ chủ trương, Nghị quyết..."

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan

Cách các nước xung quanh ta tạo ra giá trị gia tăng nhanh nhất là tập trung vào giáo dục đào tạo như Malaysia, Singapore...Phải xuất phát từ tư duy về giáo dục đào tạo như vậy mới tạo ra một nguồn lực xã hội hiệu quả.

Nhưng đổi mới tư duy như thế nào thì phải thông qua mục tiêu các cấp học, bậc học để xem khiếm khuyết ở đâu để sửa- không thể đưa ra những giải pháp chung chung. Nếu xác định sản phẩm đào tạo của các cấp cần nhiều số lượng, bằng cấp, nặng về lý thuyết hơn chất lượng thì không cần phải đổi mới gì.

Tuy nhiên, thông qua khảo sát thực tế Đảng và nhà nước đã nhìn nhận được những bất cập, yếu kém trong chương trình, sách giáo khoa....và có đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo. Đổi mới phải xuất phát từ mục tiêu đào tạo của mỗi cấp học để có phương pháp đào tạo đúng. Từ đó sản phẩm đào tạo ra phải cần có đức và phải có tư duy và làm việc được....

Đã đến lúc chúng ta phải rà soát lại từng lĩnh vực để có giải pháp cụ thể, phù hợp với lứa tuổi, ngành nghề. Cần đưa ra cốt lõi là gì để đưa ra đề xuất CP, QH để đổi mới giáo dục.

Cách đánh giá kết quả giáo dục đào tạo cũng phải xem lại. Không thể lấy kết quả 6 môn thi tốt nghiệp để đánh giá quá trình 12 năm học.

Đề nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu có thể bỏ ki thi tốt nghiệp THPT vì thực tế kết quả tốt nghiệp rất cao. Trong khi đã có năm làm mạnh tay thì có trường tốt nghiệp chỉ 14%, thậm chí có trường tốt nghiệp 0%...Cần xem lại khâu quản lý thi nếu quy trì thì phái thắt chặt quản lí. Nhưng để 2 kì thi quốc gia diễn ra gần nhau quá gây khổ cho nhà trường, học sinh.

Đồng thời, Bộ GD-ĐT cần có tổng kết kỹ về hiệu quả các trường ngoài công lập (NCL) để có đầu tư phù hợp. Hệ thống học phí cũng cần cân đối để không có sự bất hợp lí giữa giáo dục công - tư. Trong đề án về chính sách đối với nhà giáo, bộ cũng đề xuất tăng lương - đây là một giải pháp nhưng cần nghiên cứu thêm các chính sách khác đối với nhà giáo ngoài tăng lương.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển: Bộ GD-ĐT luôn lắng nghe và mong muốn nhận được tất cả những ý kiến tâm huyết hiến kế chấn hưng giáo dục nước nhà. Các ý kiến thể hiện quan điểm chăm lo cho giáo dục nước nhà mà số đông đại biểu chia sẻ: Đổi mới căn bản toàn diện mình Bộ GD-ĐT không làm được mà cần trí tuệ của toàn xã hội.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm: Các ý kiến sẽ được tổng hợp gửi đến Ban bí thư TW Đảng, Chính phủ để có cơ sở tổ chức các hội nghị phản biện.

(Theo Vietnamnet)