The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Tuyển sinh 2012: Không giới hạn nguyện vọng

Post by: admin | 18/02/2012 | 3334 reads

Hàng trăm thắc mắc của thí sinh đã được các chuyên gia đến từ Bộ GD-ĐT và hai trường ĐHQG giải đáp trong chương trình tư vấn trực tuyến do Tuổi Trẻ tổ chức.

Hàng trăm băn khoăn, thắc mắc của thí sinh đã được các chuyên gia đến từ Bộ GD-ĐT và hai trường đại học quốc gia giải đáp trong chương trình tư vấn trực tuyến do Tuổi Trẻ tổ chức ngay sau ngày Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị bàn về vấn đề tuyển sinh.

Các câu hỏi liên quan đến khối thi A1 - khối thi vừa được hội nghị hiệu trưởng ngày 14-2 tán thành để thực hiện ngay trong mùa tuyển sinh năm 2012 - gửi đến chương trình chiếm số lượng lớn.

Muốn thi khối A1?

Bạn Trương Công Đức, Lê Đức Kiên, Nguyễn Hoài Nhân và nhiều bạn khác đặt câu hỏi: “Khối A1 đã được đưa vào kỳ thi tuyển sinh năm nay chưa? Trường nào sẽ tuyển khối này? Khi nào các trường mới công bố ngành học tuyển sinh của khối này? Chỉ tiêu của ngành có tuyển khối A và A1 sẽ thế nào?

TS Nguyễn Đức Nghĩa, phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, trả lời: “Theo kết luận của bộ trưởng Bộ GD-ĐT tại hội nghị hiệu trưởng, năm nay sẽ có bổ sung khối thi A1 vào các khối thi truyền thống và năng khiếu. Căn cứ trên kết luận này, các trường ĐH, CĐ có bổ sung thi khối A1 sẽ công bố chính thức cho thí sinh những ngành học nào có tuyển sinh khối thi A1. Hiện đã có nhiều trường công bố chi tiết này trên trang web của nhà trường. Thí sinh cần theo dõi các thông tin này trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên website của Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, của các sở GD-ĐT và của các trường ĐH, CĐ”.

PGS.TS Nguyễn Văn Nhã, trưởng ban đào tạo ĐHQG Hà Nội, giải thích thêm: các trường ĐH có thi tuyển khối A và khối A1 sẽ xét theo chỉ tiêu đã đăng ký, không phân biệt bao nhiêu cho khối A và bao nhiêu cho A1 (hiệu trưởng nhà trường quyết định ngành nào sẽ tuyển ưu tiên khối A hay khối A1 để bảo đảm chất lượng đào tạo). Điểm xét tuyển giữa hai khối A và A1 cũng do hiệu trưởng nhà trường quyết định, tất nhiên là trên điểm sàn.

Về phương án tổ chức thi khối A1, PGS.TS Trần Văn Nghĩa, phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT, giải đáp: theo dự kiến, khối A1 sẽ được tổ chức cùng thời gian với khối A. Như vậy đề toán, vật lý sẽ giống đề khối A. Đề tiếng Anh sẽ là đề riêng, không chung với đề tiếng Anh của khối D.

Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng đang xem xét phương án khác là cho phép các trường tổ hợp các môn thi ở các khối khác nhau để xét tuyển. Và như vậy, nếu thí sinh thi cả khối A và khối D có thể lấy điểm toán, vật lý của khối A kết hợp với điểm tiếng Anh của khối D để xét tuyển khối A1. Nếu phương án 2 được quyết định, thí sinh dự thi hai khối A, D sẽ có thêm cơ hội đăng ký nguyện vọng khối A1 theo kết quả thi các môn toán, vật lý (khối A) và tiếng Anh (khối D).

Trả lời về thắc mắc “đề thi tiếng Anh khối A1 khó hơn hay dễ hơn đề thi tiếng Anh của khối D?”, PGS-TS Trần Văn Nghĩa khẳng định: “Trong trường hợp Bộ GD-ĐT quyết định chính thức có đề thi tiếng Anh riêng cho khối A1, về nguyên tắc độ khó của đề thi tiếng Anh hai khối sẽ tương đương”.

Về việc sử dụng kết quả thi của khối A1 để xét tuyển, ông Đỗ Thanh Duy, chuyên viên Vụ Giáo dục đại học - Bộ GD-ĐT, nói thêm: kết quả thi khối A1 (toán, vật lý, tiếng Anh) chỉ được sử dụng để xét tuyển vào các trường, ngành có tuyển sinh khối A1.

Đăng ký xét tuyển nhiều trường

Bạn Nguyễn Bá Đạt và nhiều thí sinh, phụ huynh khác muốn được biết có bao nhiêu nguyện vọng xét tuyển nếu không đỗ vào trường đăng ký nguyện vọng 1; cách thức đăng ký, điều kiện xét tuyển thế nào, thời gian xét tuyển kéo dài bao lâu.

Về điều này, ông Đỗ Thanh Duy cho biết: năm 2012 sẽ không quy định số lần đăng ký xét tuyển, để tăng cơ hội cho thí sinh vào các trường. Như vậy, nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1, các em có thể đăng ký xét tuyển vào nhiều trường phù hợp với mức điểm và nguyện vọng của em, không giới hạn đợt xét tuyển.
PGS-TS Nguyễn Văn Nhã giải thích thêm: tuy nhiên mỗi đợt thi chỉ có một khối thi nên bạn phải cân nhắc để có thể thực hiện được nguyện vọng của mình. Ví dụ không thể đăng ký thi vào các trường khác nhau trong cùng một khối, cùng đợt thi. Sau khi có kết quả thi, bạn có thể sử dụng để đăng ký vào các trường mà bạn mong muốn xét tuyển cùng khối thi mà bạn đã thi tuyển.

Trả lời bạn Lương Thị Thắm về cách thức đăng ký xét tuyển, ông Đỗ Thanh Duy cho biết: thí sinh sẽ được cấp phiếu báo điểm có đóng dấu đỏ của trường, thí sinh chỉ được mang phiếu báo điểm đó đến xét tuyển vào những trường có mức điểm phù hợp với thí sinh và còn chỉ tiêu tuyển sinh. Nếu không trúng tuyển hoặc không phù hợp nguyện vọng, thí sinh có thể rút phiếu điểm đã nộp để nộp cho các trường khác phù hợp.

Về mốc thời gian xét tuyển, TS Nguyễn Đức Nghĩa tư vấn: năm 2012 bộ giao việc ấn định thời gian xét tuyển cho từng trường. Do đó, thí sinh có thể tham gia đăng ký xét tuyển nhiều lần tại các trường còn chỉ tiêu, nhưng phải nằm trong thời gian xét tuyển do nhà trường quy định. Bộ GD-ĐT sẽ có hướng dẫn chi tiết cho việc đăng ký xét tuyển nguyện vọng 2. Nhưng thí sinh cũng cần theo dõi thời gian xét tuyển nguyện vọng 2 trực tiếp và cụ thể tại từng trường (thường được tổng hợp trên các phương tiện thông tin đại chúng).

Những trường hợp được tuyển thẳng

Liên quan đến vấn đề tuyển thẳng, PGS-TS Trần Văn Nghĩa giải thích: những học sinh đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia đủ điều kiện tuyển thẳng vào các trường ĐH-CĐ sẽ chỉ được tuyển thẳng vào những trường có ngành đào tạo phù hợp với môn thi mà thí sinh đoạt giải như các trường có nhóm ngành toán, vật lý, hóa học, sinh học, tin học, ngữ văn, lịch sử, địa lý, ngoại ngữ và các ngành gần với những môn thi mà thí sinh đoạt giải.

Nếu thí sinh muốn đăng ký vào ngành khác thì không được hưởng chế độ tuyển thẳng mà chỉ được các trường xem xét để ưu tiên xét tuyển. Trong trường hợp này, thí sinh phải tham dự kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ, có kết quả thi bằng hoặc cao hơn điểm sàn, không có môn thi nào bị điểm 0 mới đủ điều kiện được ưu tiên xét tuyển.

Đề thi có hai phần

Giải đáp băn khoăn về đề thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm nay, PGS-TS Trần Văn Nghĩa cho biết: quy định về đề thi năm nay không có gì khác so với năm trước. Vẫn đòi hỏi bám sát chương trình THPT, chủ yếu lớp 12, không ra quá khó, đánh đố thí sinh... Tất cả các môn thi (trừ môn ngoại ngữ) đều có hai phần: chung và riêng. Phần chung được ra vào phần kiến thức giao thoa giữa chương trình chuẩn và nâng cao. Phần riêng được ra theo chương trình chuẩn hoặc nâng cao.

Thí sinh có thể chọn một trong hai phần riêng phù hợp khả năng của mình. Nhưng chỉ được phép chọn một phần riêng để làm. Nếu làm cả hai phần riêng sẽ không được tính điểm.

PGS-TS Trần Văn Nghĩa cũng tư vấn: theo quy chế tuyển sinh, đề thi ĐH-CĐ phải bám sát vào chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12. Như vậy, để thi tốt trước hết thí sinh phải nắm vững các kiến thức cơ bản trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Việc làm thử các đề năm trước cũng là một phương pháp ôn tập tốt, để có thể nắm được mức độ, cấu trúc đề thi và tập phân bổ thời gian hợp lý cho việc làm bài thi. Nhưng SGK vẫn là tài liệu ôn tập tốt nhất.

Lê Đức Thuận (Theo Giáo dục Net)