The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Băn khoăn về những dự kiến sửa đổi tuyển sinh 2012

Post by: admin | 14/02/2012 | 2752 reads

Trước thềm hội nghị Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ diễn ra vào ngày 14/2, một số ý kiến bày tỏ đồng tình với một số dự kiến thay đổi trong tuyển sinh nhưng cũng có nhiều ý kiến băn khoăn lo lắng cho rằng sẽ có nhiều bất cập xảy ra.

Tuyển sinh 2012, dự kiến có nhiều thay đổi có lợi cho thí sinh.

Tán thành khối A1

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, tuyển sinh năm nay tiếp tục cải tiến theo hướng gọn nhẹ, cơ bản vẫn giữ ổn định theo giải pháp "3 chung" nhưng sẽ được những điều chỉnh, bổ sung một cách hợp lý theo hướng mở rộng khối thi, điều chỉnh phương thức tuyển sinh với các ngành năng khiếu, thêm chính sách với học sinh giỏi quốc gia... Bên cạnh đó, Bộ chủ trương giảm chỉ tiêu tuyển sinh không chính quy.

 Hội nghị hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ diễn ra vào ngày mai 14/2 sẽ bàn đến các vấn đề như dự kiến bổ sung khối thi A1 gồm các môn Toán, Vật lý, Ngoại ngữ; Có nên bỏ việc tuyển sinh theo 3 nguyện vọng như trước đây, các trường căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh để xét tuyển nhiều đợt đến khi đủ chỉ tiêu; Các trường có thể xây dựng một điểm chuẩn duy nhất; Kéo dài thời gian tuyển sinh…

Hiện nay, lãnh đạo một số trường ĐH rất tán thành phương án thêm khối A1 này. Nhiều trường lên kế hoạch tuyển sinh trong năm nay như Trường ĐH Ngoại thương, ĐH Điện lực, Học viện Bưu chính Viễn thông, ĐH Lạc Hồng, ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu, ĐH Dân lập Hải phòng, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM…

GS Nguyễn Quang Dong, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, cho biết: "Tôi thấy nhiều môn thi sẽ tốt, thuận lợi hơn các trường vì sẽ tuyển được thí sinh sát với ngành đào tạo. Theo đó, các trường đương nhiên vất vả hơn vì công tác tổ chức phức tạp hơn. Nhưng, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là tuyển được sinh viên mình muốn tuyển chứ tuyển nhiều khối mà không tuyển được sinh viên thực sự thì cũng dở".

PGS.TS Lê Hữu Lập, phó giám đốc Học viện Bưu chính Viễn thông cho biết, Học viện hoàn toàn ủng hộ phương án này. "Chúng tôi đã chủ động mở rộng khối thi từ năm 2011. Cho nên nếu càng nhiều khối thi thì khả năng lựa chọn càng dễ, nhiều em đăng ký vào, chọn được nhiều thí sinh giỏi" - ông Lập cho hay.

Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, việc tổ chức thi theo tổ hợp môn là bước đệm cho việc tổ chức thi vào ĐH bằng nhiều môn trong tương lai. Về lâu dài, Bộ chủ trương tổ chức nhiều môn thi ĐH, thí sinh thi vào trường có yêu cầu thi tuyển các môn thi nào sẽ chủ động thi các môn đó để xét tuyển chứ không thi theo khối thi.

Lo lắng bất cập xảy ra!

GS Trần Hữu Nghị, hiệu trưởng trường ĐH Dân lập Hải Phòng cho hay: “Bộ dự định tổ chức thi thêm khối A1, như vậy cũng tạo điều kiện và có lợi cho thí sinh, tôi ủng hộ. Tuy nhiên, đối với việc xét tuyển nhiều lần, tôi e rằng nếu xét tuyển nhiều lần và kéo dài xét tuyển không mang lại lợi ích chung cho các trường vì khó bắt đầu cho năm học mới. Nếu kéo dài xét tuyển như năm vừa rồi cũng không mang lại hiệu quả. Vấn đề là tổ chức thế nào để có thời hạn xét tuyển trong mốc thời gian đặt ra để thí sinh nộp hồ sơ, đó là điều mà các trường cần hay hơn nhiều là kéo dài nhiều đợt xét tuyển. Nếu xét kéo dài thời gian xét tuyển sẽ không mang lại lợi ích gì lớn. Có chăng chỉ để thí sinh chạy từ vùng này sang vùng khác”.

PGS.TS Lê Trọng Thắng, trưởng phòng đào tạo ĐH Mỏ Địa chất, lo lắng cho rằng: “Bộ tổ chức thi thêm khối A1 là tạo điều kiện cho thí sinh nhưng theo tôi ít thí sinh đăng ký vì chỉ tập trung ở một số ngành nào đó, còn đại bộ phận ít trường bổ sung thi thêm khối A1 vì phức tạp trong cách tổ chức”.

Bước tiến tới giao tự chủ tuyển sinh

Những bước tiến dự kiến thay đổi trong tuyển sinh 2012 mà Bộ GD-ĐT đưa ra, đây có lẽ là bước thử nghiệm tiến tới mở rộng quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường ĐH.

Theo PGS.TS Lê Trọng Thắng, những dự kiến thay đổi này có lẽ là hướng thay đổi trong tự chủ tuyển sinh của các trường nhưng đây chỉ là những vấn đề nhỏ. Nếu nói tự chủ cho các trường phải là tự chủ trong tài chính, tự chủ về tổ chức, về đào tạo, về tuyển sinh. Đối với tự chủ tuyển sinh, theo tôi cần có Đề án tổng thể chứ không chắp vá, trước mắt cứ thực hiện “3 chung”.
 
"Nếu thực hiện tự chủ phải có đề án, có khung để các trường thực hiện, sau đó Bộ giám sát, kiểm tra và có chế tài cụ thể. Nếu tự chủ mà không có chế tài quản lý thì chưa chắc đã hay vì tự chủ đi đôi với tự chịu trách nhiệm, giám sát, chế tài. Vậy nên phải có đề án tổng thể chứ không phải tự chủ các trường thích làm gì thì làm, tôi không ủng hộ tự chủ theo cách đó".
 
Nhận định việc đổi mới này là hướng đi tích cực của Bộ GD-ĐT theo xu hướng nhìn nhận giáo dục cũng là một hoạt động dịch vụ theo nguyên tắc cung cầu của xã hội, ông Nguyễn Quốc Hợp, trưởng phòng đào tạo trường ĐH dân lập Văn Hiến, cho rằng: “Điều này giúp cơ sở chủ động gọi thí sinh trúng tuyển cho đến khi đạt được số chỉ tiêu được phép tuyển. Mặt khác, cũng có thể coi quy định này là “chất xúc tác” giúp các trường, đặc biệt là khối trường ngoài công lập phấn đấu, cải thiện để có thể tạo được tên tuổi, uy tín hơn trong xã hội".
Còn ông Huỳnh Thanh Hùng, phó hiệu trưởng trường ĐH Nông lâm TPHCM, lại cho rằng: “Có thể nói quyết định này là một trong những đổi mới “cởi mở” hơn trong công tác quản lý ở tầm vĩ mô. Song, điều này chỉ có lợi cho trường dân lập còn với các trường công lập, nếu thực hiện chủ trương này sẽ phá vỡ kế hoạch đào tạo của trường nên “tác dụng tốt” cũng sẽ không được nhiều trường áp dụng vì nó sẽ khiến việc đào tạo của trường trở nên rối rắm và nhiêu khê hơn”.
Lê Đức Thuận (Theo Dân trí)