The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Hạ tầng Công nghệ thông tin đã đủ thuận lợi cho đào tạo trực tuyến

Post by: hn-ams | 20/12/2012 | 2915 reads

Trong những năm qua, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin truyền thông (CNTT- TT) tại Việt Nam phát triển nhanh trong khi tỷ lệ người dùng Internet chiếm vị trí hàng đầu tại Đông Nam Á, tạo điều kiện tốt cho hình thức đào tạo trực tuyến.

Hạ tầng CNTT đã đủ thuận lợi cho đào tạo trực tuyến.

Các cụm từ "đào tạo trực tuyến", "đào tạo qua mạng Internet" hay "e-learning" đang được sử dụng rộng rãi là khái niệm chỉ quá trình dạy và học dựa vào mạng Internet, công nghệ số và các thiết bị điện tử - truyền dẫn. Trong hội thảo Giải pháp E-learning trong đào tạo và bồi dưỡng giáo viên diễn ra sáng 18/12 tại Hà Nội, TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên (Bộ Giáo dục và đào tạo) cho hay hiệu quả về kinh tế của hình thức này có thể nhìn thấy rất rõ cho cả cơ sở đào tạo và người học.

Những lớp học với các bức tường theo kiểu truyền thống chỉ có thể chứa lượng người giới hạn. Trong khi đó, lớp học trên Internet đáp ứng được nhu cầu của hàng nghìn, hàng vạn người. Người học cũng có thể chủ động thời gian, không bị gián đoạn về công việc...

Ông Sơn đánh giá cơ sở hạ tầng CNTT ở Việt Nam rất thuận lợi cho e-learning. Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo phát triển và ứng dụng CNTT trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là "Đề án sớm đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT-TT". Số thuê bao Internet cả nước tính đến hết tháng 8/2012 đạt 4,4 triệu, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước, thuê bao di động đạt 135,8 triệu, trong đó có tới 120,7 triệu thuê bao di động...

Tuy nhiên, dù có tiềm năng lớn, số người được đào tạo từ xa ở VN mới chỉ chiếm 12% so với hình thức giảng dạy truyền thống. E-learning đang vấp phải không ít rào cản, lớn nhất là việc thay đổi thói quen. Nhiều người chưa quen với việc học trực tuyến mà chỉ muốn học tập trung, có thầy trực tiếp hướng dẫn. Thậm chí, không ít người chưa có kỹ năng sử dụng máy tính và khai thác thông tin qua mạng Internet. TS. Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng bộ phận thường trực Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2012, bày tỏ sự lo lắng khi thống kê trên Google Trends cho thấy nội dung người Việt tra cứu nhiều nhất thế giới lại là "sex".

"Đảng và Chính phủ đang nỗ lực tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với Internet được dễ dàng, điện thoại di động với kết nối 3G đang trở nên phổ biến, thế nhưng mảnh đất màu mỡ và tiềm năng ấy chưa được khai thác hiệu quả, người dùng chưa được định hướng đúng đắn. Biết bơi không có nghĩa là thả xuống nước không bị chìm", TS Hùng cho hay, đồng thời khẳng định việc đưa ra các giải pháp để ứng dụng CNTT trong giáo dục là nhiệm vụ quan trọng và có ý nghĩa quyết định với sự phát triển của đất nước.

Trong khi đó, ông Mai Sean Cang, Tổng giám đốc Intel Việt Nam, nhấn mạnh việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy và quản lý sẽ tạo ra bước đột phá trong ngành Giáo dục Việt Nam. Tuy nhiên, ứng dụng ở đây không đơn giản là mua sắm phòng lab máy tính mà CNTT phải được coi là công cụ nhằm nâng cao khả năng sáng tạo, tương tác và tiến tới mô hình lớp học lấy học sinh làm trung tâm. 

Sự ủng hộ của các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới song song với số lượng người sử dụng thiết bị di động tăng trưởng nhanh (hiện có khoảng 12 triệu thuê bao 3G) giúp việc đào tạo e-learning tại Việt Nam luôn được cập nhật công nghệ mới và có cơ hội tốt để triển khai hệ thống đào tạo từ xa qua thiết bị di động.

HN-Ams

(Theo vnexpress)

Focus

Đăng bởi: trangtrang | 30/09 | 3,325 lượt xem
Đăng bởi: Mai Thành Sơn | 25/05 | 4,850 lượt xem

Most Popular