The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Buổi giao lưu kĩ năng sống cho các bạn học sinh khối 6

Post by: webams | 20/01/2019 | 6148 reads

Vào 14h ngày 19/01/2019, các bạn học sinh khối 6 trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam đã được tham gia buổi giao lưu, học tập kĩ năng sống vô cùng bổ ích và lí thú về những vấn đề rất gần gũi, thiết thực. Chương trình được diễn ra trong không khí vui tươi, phấn khởi của toàn thể các bạn học sinh.

Tham gia buổi giao lưu có sự góp mặt của một chuyên gia đào tạo, thầy giáo Phạm Văn Đức – người đã từng tiếp lửa cho hàng ngàn học sinh và sinh viên về cách sống, về phương pháp học tập… Buồi giao lưu chính là cơ hội cho các bạn nhỏ có thể trau dồi và tích lũy thêm nhiều phương pháp để trở thành một người thành công trong cuộc sống.

Mở đầu buổi giao lưu là câu chuyện về nhà bác học vĩ đại Thomas Alva Edison – người đã từng hơn 10.000 lần thất bại để rồi sau đó mang lại ánh sáng cho nhân loại. Qua đó, thầy Đức muốn các bạn học sinh hiểu được rằng: tất cả chúng ta đều sinh ra như nhau, thậm chí các bạn ngồi đây còn có thể may mắn hơn rất nhiều các bạn đồng trang lứa nhưng tương lai mỗi người lại khác nhau, có người thành công, có kẻ thất bại, tất cả đều phụ thuộc vào bản thân các bạn.

Để rồi từ đó, thầy muốn nhắc nhở các bạn cần có ước mơ, có hoài bão và không ngừng nỗ lực để biến nó thành hành động. Bằng những câu hỏi về những nhân vật nổi tiếng luôn phấn đấu hết mình vì mục tiêu như cựu tổng thống Mỹ Barack Obama, nhà vật lí học Isaac Newton, cầu thủ trẻ Nguyễn Công Phượng,... đã giúp buổi giao lưu càng thêm hào hứng. Tuy nhiên, thầy cũng lưu ý với các bạn nhỏ rằng đam mê thôi thì chưa đủ, cần phải có cả sự nhiệt huyết, tinh thần đoàn kết và tính kỷ luật cao thì mới có thể vươn tới thành công.

Ngay tại đây, các bạn học sinh được tham gia vào trò chơi mang tính đồng đội cao, yêu cầu phải bàn bạc kĩ lưỡng từ thành viên các lớp.

Tuy nhiên, chỉ thành công thôi thì chưa đủ mà mỗi người còn phải là người văn minh, luôn có những cách ứng xử chuẩn mực, tạo nên nét đẹp cho trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam nói riêng và cho xã hội nói chung. Hãy lắng nghe và tôn trọng những ý kiến của mọi người xung quanh để hoàn thiện bản thân. Ở độ tuổi này, các bạn học sinh thường có cái “tôi” rất lớn nhưng chúng ta nên biết kiềm chế để trở nên đẹp hơn trong mắt mọi người.

Hơn thế nữa, thầy còn có những chia sẻ rất chân thành nhưng không kém phần hóm hỉnh về vấn đề trân trọng những gì mình đang có, trân trọng để không đánh mất, trân trọng để phát triển. Đồng thời, các bạn còn được thực hành nói những lời cảm ơn, xin lỗi ngay trên sân khấu của Hội trường 200. Các bạn nhỏ đã thẳng thắn bộc bạch, chia sẻ và cảm thấy nói những lơì nói này không hề khó như mình đã tưởng.

Buổi giao lưu kết thúc trong không khí của những câu chuyện cười, những bài học bổ ích và lí thú mà thầy Đức đã mang đến cho các bạn học sinh khối 6 – những bạn nhỏ còn rất trẻ tuổi, hiếu động và chưa có nhiều những định hướng, những kinh nghiệm trong cuộc sống. Có lẽ sau buổi giao lưu tuy ngắn ngủi nhưng ý nghĩa này, các bạn đã có thêm cho mình những tích lũy mới mẻ cho chính bản thân mỗi người.

Kết lại buổi giao lưu là lời phát biểu của thầy Tổng phụ trách nhà trường: “Thầy thực sự cảm thấy các em học sinh bây giờ may mắn hơn thời của thầy: các em được bố mẹ quan tâm hơn, được học trong một môi trường học tập tốt, vì vậy hãy luôn trân trọng nó. Thầy rất cảm ơn chuyên gia đào tạo Phạm Văn Đức đã giúp các em trong những vấn đề tưởng chừng như rất khó giải đáp này. Bây giờ, các em quay trở về nhà, hãy viết lại những điều mình đã học được ra một tờ giấy và thực hành ngay theo nó, đó là điều thầy trông chờ ở các em. Một lần nữa, rất cảm ơn thầy Đức đã bỏ chút thời gian quý giá để có thể chia sẻ cùng các em học sinh. Trân trọng cảm ơn thầy!”

Chương trình đã diễn ra thành công và tốt đẹp trong sự đón nhận nhiệt tình từ các bạn học sinh khối 6 của nhà trường. Mong rằng, sau buổi giao lưu này, các bạn nhỏ có thể tích lũy thêm được những bài học quý báu làm hành trang cho tương lai các bạn.

PV: Hoàng Lê Như – Văn 1821

Ảnh: Chu Minh Nga – Hóa 1720