The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

KÍ ỨC VỀ MỘT NGƯỜI THẦY

Post by: webams | 14/12/2015 | 5577 reads

Bài tham dự cuộc thi viết về trường 

MS 039

KÍ ỨC VỀ MỘT NGƯỜI THẦY

Bùi Thị Hoài Thanh

Giáo viên Văn, học sinh chuyên Văn khoá 1994-1997

 

“... Tốt-tô-chan rất yêu quý thầy hiệu trưởng. Em mơ ước lớn lên sẽ trở thành một giáo viên của trường, làm mọi việc giúp đỡ thầy. Em nghĩ phải nói ngay điều này để thầy biết. Thế là trưa ấy sau buổi học, em chờ sẵn thầy trước phòng họp và xin gặp thầy. Thầy hiệu trưởng vui vẻ mời em vào phòng. Ngồi đối diện với thầy và hơi nghiêng đầu mỉm cười, cô bé nói một cách chậm rãi, dịu dàng ra vẻ người lớn: “Thưa thầy, sau này lớn lên em muốn làm nghề dạy học. Em sẽ dạy học ở trường này!...” (Tottochan - Cô bé bên cửa sổ)

Mỗi khi đọc lại những dòng văn trên, được sống với cảm xúc của cô bé Tottochan, trong tôi lại ùa về hình ảnh người thầy giáo cũ - thầy Hiệu trưởng của Ams một thời: Thầy Đào Thiện Khải. 

Có lẽ không chỉ riêng tôi, mà tất cả lũ học trò Ams ngày ấy (nhất là những đứa năm đầu lớp 10 vừa vào trường) đều ngỡ ngàng lắm khi lần đầu gặp thầy và biết về thầy hiệu trưởng của mình. Bởi nếu không phải là giáo viên, phụ huynh, học sinh Ams, chẳng ai nghĩ một ông hiệu trưởng mà danh tiếng đã vươn ra thế giới lại đóng đinh trong kí ức bao thế hệ học trò là hình ảnh một người thầy giản dị, đơn sơ đến thế. Hai mươi năm trước ấy, đất nước mình còn nghèo, nhưng tôi vẫn nhớ lớp tôi đã có đứa đi xe Chali, xe Cup 82 đến trường và hầu hết thầy cô tôi đã không còn mấy ai đi xe đạp. Vậy mà thầy luôn đến trường bằng chiếc xe đạp Étka, sau xe có buộc gọn gàng bộ áo mưa, đầu đội mũ cối, mặc bộ quần áo bạc màu và chân đi dép nhựa Tiền Phong có quai...

Vì thế nên mới có câu chuyện cười ra nước mắt ngay năm đầu chúng tôi vừa chân ướt chân ráo vào trường: lớp tôi ngày ấy có thằng bạn nhà chỉ cách trường có một con phố, đã đi học muộn, khi thầy gọi hỏi, nó tưởng là bác bảo vệ để rồi lên lớp kể chuyện râm ran : "Tao vừa trót nói dối tên lớp và tranh luận một hồi với ông bảo vệ chúng mày ạ!... " Rồi sau mới tá hoả là nhầm! 

Nên chẳng riêng tôi, ngày ấy đứa nào đọc truyện này cũng hình dung dù ở đâu thì thầy hiệu trưởng cũng đều giản dị, nhân hậu như vậy cả!...

Còn nhớ hồi ấy, mỗi lần buổi trưa, chúng tôi đạp xe về nhà sau giờ tan học và thường đi cùng đường với thầy vì nhà thầy ở phố Nguyễn Biểu, còn chúng tôi ở Gia Lâm nên phải đi về phía bên kia cầu Long Biên. Thầy thường vừa đạp xe vừa nói chuyện với chúng tôi và chẳng bao giờ thầy tỏ ra ngạc nhiên hay thán phục vì tôi đạp xe một ngày 26 km để đến trường và về nhà. Thầy cũng chẳng ngạc nhiên hay tỏ lòng thương cảm vì nhà chúng tôi nghèo nên chả đứa nào dám xin tiền bố mẹ đi học thêm các lớp Ngoại ngữ mà lúc bấy giờ đang "thời thượng". Thầy cũng chẳng ngạc nhiên khi sắp Tết chúng tôi đứa thì đi bán quất cho gia đình dọc khu Phúc Xá, đứa thì sang tận chợ Đồng Xuân để nhận cắt hộp mứt lấy tiền... Đối với thầy, mọi chuyện đó rất đỗi bình thường vì hai chị con gái thầy cũng phải học, phải làm như chúng tôi thôi. Thầy chỉ ngạc nhiên khi thầy hỏi: "Sau này các em muốn làm nghề gì nhất?" mà chúng tôi thì cứ ấp a ấp úng. 

Thế rồi suốt 3 năm cấp III ấy, hình ảnh một người thầy hiệu trưởng đã đi khắp năm châu, người đã đưa trường Ams ra thế giới, người mà sau mỗi chuyến giao lưu đến các ngôi trường danh tiếng là đồng nghĩa với những cơ hội học bổng du học cho học trò, người mà các anh chị du học sinh vẫn kể bao giờ trong chiếc vali cũng có món quà đặc biệt là những lá cờ Tổ quốc mang từ Việt Nam để học trò treo nơi góc học tập như một lời nhắc nhở: các em là người Việt Nam!... Nhưng người thầy ấy vẫn giản dị đạp xe hàng ngày dù ngày mưa, ngày nắng. Thầy truyền cho chúng tôi sự tự tin, tự hào để chúng tôi dù không chạy thẳng đến gặp thầy hiệu trưởng của mình như cô bé Tottochan thì chúng tôi cũng đã làm được một điều giống cô bé: “... Lớn lên em muốn làm nghề dạy học. Em sẽ dạy học ở trường này!...”