The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

CỰU HS AMS- LÊ MINH THẮNG NỮ PHÓ GIÁO SƯ TRẺ NHẤT VIỆT NAM 34 TUỔI (27/11/2009)

Post by: myph | 04/06/2015 | 5721 reads

Trường THPT Chuyên HN- Amsterdam từ khi thành lập đến nay luôn là chiếc nôi đào tạo, bồi dưỡng nhân tài. Ngôi trường đã xây nên những viên gạch đầu tiên nền tảng tri thức, nhân cách, để mỗi lứa học sinh tự hào là  học sinh Ams, phấn đấu nỗ lực không ngừng để khẳng định tài năng, vị trí của mình vươn tới thành công, nhiều người cũng đã trở thành niềm tự hào của Ams. Bài viết này xin giới thiệu về một cựu học sinh chuyên Hóa khóa 1989-1992- PGS Lê Minh Thắng- hiện đang là giảng viên trường ĐH Bách khoa- nữ phó giáo sư trẻ tuổi nhất Việt Nam

22 tuổi, tốt nghiệp á khoa trong số hơn 3.000 đồng môn ở trường ĐH Bách Khoa Hà Nội. 34 tuổi, là nữ Phó giáo sư trẻ nhất được phong chức danh này từ trước tới nay. Nhưng Lê Minh Thắng không hề khô khan như hình dung về những nhà khoa học nữ

.

Trong đợt phong chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2009, chỉ có 5 trong số hơn 700 người dưới tuổi 35. Lê Minh Thắng, giảng viên khoa Công nghệ Hóa học, ĐH Bách Khoa Hà Nội là nữ duy nhất trong số hiếm hoi ấy

Chị Lê Minh Thắng rạng rỡ tại lễ trao giấy chứng nhận quyết định Phó GS năm 2009. Ảnh: Lan Anh

Sinh năm 1975, chị cũng là người phụ nữ trẻ nhất được phong hàm Phó Giáo sư tại Việt Nam. Trước đó, có 2 người đạt danh hiệu này ở tuổi 36 là Phó GS,TS Phạm Khánh Phong Lan, giảng viên ĐH Y Dược TP.HCM (đợt xét phong năm 2006) và Phó GS,TS Những Thanh Hải, giảng viên ĐH Bách Khoa Hà Nội (đợt xét phong năm 2007).

THÍCH GẮN BÓ VỚI SINH VIÊN
Lê Minh Thắng gần gũi với môi trường khoa học từ bé. Bố chị là cựu sinh viên ĐH Bách Khoa Hà Nội, mẹ chị là cựu du học sinh ĐH Bách Khoa Budapest, Hungary. Nền tảng gia đình giúp cô nữ sinh chuyên Hóa, trường THPT Hà Nội – Amsterdam trong việc học hành và định hướng tương lai.

Ở những năm đầu thập kỷ 90, thí sinh thi đại học được quyền chọn thi nhiều trường và chị đều đạt học bổng ở các trường hàng đầu như ĐH Dược, ĐH Sư phạm, ĐH Bách Khoa… Chị chọn ĐH Bách Khoa Hà Nội vì truyền thống gia đình theo khối ngành kỹ thuật và lý do lớn hơn vì sự yêu thích với ngôi trường giàu truyền thống, nơi bố chị từng theo học thời trẻ.

Năm 1997, Lê Minh Thắng tốt nghiệp ngành Hữu cơ – Hoá dầu với điểm tổng kết cao ngất 8,8 điểm, đứng đầu Khoa và đứng thứ 2 trong số hơn 3.000 sinh viên toàn khoá. Trong suốt thời sinh viên, chị cũng nhận được nhiều giải thưởng Nghiên cứu khoa học và giấy khen của Thành Đoàn Hà Nội về thành tích học tập.
Với kết quả học tập đáng nể, chị được giữ lại trường làm giảng viên và cô tân cử nhân tiếp tục chọn ĐH Bách Khoa Hà Nội làm nơi gắn bó. Sau này, khi bảo vệ thành công luận án tiến sỹ tại ĐH Ghent, Bỉ, chị vẫn tiếp tục trở về công tác tại đây.
Tâm sự về lựa chọn này, chị cho biết rất thích môi trường đại học, rất thích làm việc với sinh viên. Và công việc giảng dạy ở trường đại học, tiếp xúc với sinh viên là cách để chị “kéo dài” thời sinh viên tươi đẹp của mình. “Tiếp xúc với sinh viên, tôi luôn cảm thấy mình trẻ trung, hăng say và đam mê cuộc sống. Môi trường giảng dạy và nghiên cứu cũng ít va đập, hợp với kiểu sống của con người mình. Hơn 10 năm trong nghề, tôi chưa khi nào cảm thấy cuộc sống của mình nhàm chán” – chị tâm sự.

MÊ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CƠ BẢN
Bố mẹ xuất thân từ dân khoa học, chồng chị cũng là bạn cùng khóa tại ĐH Bách Khoa Hà Nội và em trai cũng theo nghề kỹ thuật. Nhưng sau này, hai người đàn ông trong gia dình lớn và gia đình bé của chị đều đã chuyển sang việc kinh doanh và quản lý (dù vẫn gắn bó với kỹ thuật), để hai người phụ nữ tiếp tục theo đuổi sự say mê nghiên cứu.
Bố chị, ông Lê Quang Hùng là Giám đốc Nhà máy Giấy Trúc Bạch và đã từng 2 lần được nhà nước tặng Huân chương lao động hạng Ba về thành tích sáng tạo năm 1988 và 1995. Còn mẹ chị, TS Lê Hoàng là một cán bộ của Viện Vật liệu, Viện Khoa học Việt Nam trong suốt 30 năm, hiện đã nghỉ hưu. Gia đình nhỏ của chị cũng là một phiên bản con của mô hình ấy.
Lê Minh Thắng cho biết những năm đầu đại học, ước mơ nghề nghiệp chưa định hình cụ thể, nhưng càng ngày chị càng thấy say mê công việc nghiên cứu. Chị quan tâm nhiều đến nghiên cứu khoa học cơ bản, mà theo chị là nền tảng để phát triển các nghiên cứu có tính ứng dụng sau đó.
Hơn 10 năm trong nghề, chị đã và đang chủ trì 6 đề tài khoa học, trong đó có 2 đề tài cấp Bộ, 1 đề tài khoa học cơ bản và 3 đề tài hợp tác quốc tế. Các kết quả nghiên cứu khoa học của chị đã được công bố trong nhiều hội nghị khoa học quốc tế, và nhiều bài báo quốc tế. Trong đó, đề tài hợp tác quốc tế “Nghiên cứu xúc tác xử lý khí thải động cơ đốt trong” và đề tài cấp Bộ mang tên “Tổng hợp acrylic axit và các sản phẩm trung gian, ứng dụng vào sản xuất sơn” nhận được nhiều đánh giá tích cực.

Lê Minh Thắng (đứng giữa, hàng đầu) cùng đồng nghiệp trong và ngoài nước tại một cuộc hội thảo quốc tế tại Singapore. Ảnh: Nhân vật cung cấp

 

Làm giảng viên, làm nghiên cứu luôn vất vả và thu nhập hạn chế hơn nhiều so với đầu quân cho các doanh nghiệp bên ngoài, nhưng 12 năm làm giảng viên, Lê Minh Thắng chưa từng nghĩ đến một ngả đường khác, dù ngành Hóa dầu của chị chào mời nhân lực chất lượng cao với điều kiện làm việc và lương bổng hấp dẫn.
“Giảng dạy ở đại học khác với giảng dạy ở phổ thông, ngay cả những kiến thức cơ bản cũng phải update… Trước đây, đại học Việt Nam nghiêng về giảng dạy là chủ yếu, giờ đã chú trọng hơn nhiều đến nghiên cứu. Với giảng viên đại học, nghiên cứu là phần việc rất quan trọng và phục vụ tốt cho việc giảng dạy” – chị chia sẻ

Sưu tầm: PV Phạm Hồng Anh – Địa 1316

Trích trong kỷ yếu Ams 89-92- kỷ niệm 20 năm ra trường